Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội, 10 năm qua, thành phố đã giải quyết trên 25.000 vụ khiếu nại, tố cáo. Qua đó đã kiến nghị thu hồi 359,33 tỷ đồng và 161.628 m2 đất, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 71 tập thể và 204 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Thành phố cũng đã kịp thời xử nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng, lãng phí như vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm tội tham ô tài sản, vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng…
Tuy nhiên, với tinh thần để việc tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tốt thì cũng là góp phần phòng ngừa tham nhũng, hạn chế thất thoát, lãng phí, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - đã đề nghị Trung ương xem xét cho thành phố được thành lập Ban kinh tế trực thuộc Thành ủy để phục vụ mục tiêu này.
Đồng thời với đó, bà Hằng cũng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét cho thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng các địa phương và do Bí thư tỉnh, thành ủy làm trưởng ban, để công tác này được lãnh đạo tập trung và chỉ đạo xử lý cụ thể, chính xác các vụ việc.
Như vậy, mục tiêu của Hà Nội về việc thành lập Ban kinh tế trực thuộc thành ủy có phần khác với mô hình Ban kinh tế đã từng xuất hiện tại một số địa phương trước kia. Cụ thể, thay vì nghiên cứu, thửnghiệm các mô hình phát triển kinh tế, thì đề nghị về thành lập ban kinh tế trực thuộc thành ủy của Thành ủy Hà Nội lần này có thêm cả chức năng nghiên cứu chính sách phát triển kinh tế đi đôi với phòng ngừa tham nhũng, hạn chế thất thoát lãng phí.