Thành ủy Hà Nội giao Sở Quy hoạch và kiến trúc soạn dự thảo văn bản của UBND thành phố xin ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10/7. Các đơn vị liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện để nhà đầu tư dự án (Công ty cổ phần Intimex Việt Nam) khởi công xây dựng trong tháng 9.
Cuối năm 2015, thị trường tài chính xôn xao với thông tin Tập đoàn BRG sẽ thâu tóm Intimex Việt Nam trong đợt IPO đơn vị này, với việc SCIC bán 34,3% tại Intimex Việt Nam cho Công ty Thung lũng Vua –một thành viên của Tập đoàn BRG.
Theo đó, Thung lũng Vua sẽ là cổ đông chiến lược của Intimex Việt Nam. Bên cạnh đó, từ 2009 Tập đoàn BRG cũng đã có “dính dáng” tới Intimex Việt Nam khi sở hữu 11,59% cổ phần tại công ty này, đồng thời bà chủ BRG cũng là Chủ tịch HĐQT Intimex Việt Nam.
Với tiềm lực của mình thì BRG hoàn toàn có khả năng thâu tóm công ty có vốn chủ sở hữu chỉ 250 tỷ đồng, và trở thành cổ đông lớn nhất tại Intimex Việt Nam với tỷ lệ sở hữu cả gián tiếp và trực tiếp gần 46%.
Cơ cấu cổ đông tại Intimex Việt Nam trước khi SCIC IPO 49%
BRG Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn, hoạt động kinh doanh chủ đạo là tài chính ngân hàng, khách sạn, sân golf, bất động sản nhà ở…Sở hữu nhiều sân golf như Sân golf Kings’ Island Golf Resort (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Sân golf Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng), Sân golf Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội).
Khi đó, giới tài chính luôn đặt ra câu hỏi vậy lý do gì khiến BRG lại để mắt tới Intimex – một doanh nghiệp kinh doanh siêu thị?
Có lẽ, với động thái Văn phòng UBND TP vừa có văn bản số 5584/VP-ĐT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng về việc triển khai thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về Quy hoạch kiến trúc Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thì nhiều người mới vỡ lẽ đầu tư vào khách sạn sang trọng ở khu đất “kim cương này” mới là mục đích của BRG khi thâu tóm Intimex, cũng như các quỹ đất khác của công ty này.
Theo Thành ủy Hà Nội, việc xây khách sạn này phải đảm bảo phù hợp các quy định về quy hoạch và bảo tồn, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan; phải có thiết kế hài hòa và phù hợp với kiến trúc cảnh quan khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Đồng thời, khách sạn này cũng phải được bố trí cây xanh và chiếu sáng nhằm tạo ra điểm nhấn cho khu Hồ Gươm.
Thành ủy cũng lưu ý các Sở, Ban, Ngành phối hợp cùng chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án đúng quy định của pháp luật, chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9/2016.
Nguồn ảnh: Công Khanh/GoogleMaps.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc có trách nhiệm dự thảo văn bản của UBND TP xin ý kiến thống nhất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 10/7/2016.
Được biết, khu đất xây dựng Dự án khách sạn này có vị trí tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội (sát bên mặt Hồ Gươm), hiện đang sử dụng là siêu thị Intimex. Tổng diện tích khu đất 2.871m2, là đất có thời hạn 50 năm (đến năm 2043).
Trước đó (ngày 8/3), Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản gửi UBND Hà Nội đánh giá dự án có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp. Tuy nhiên, hình thức kiến trúc của công trình không phù hợp với không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực Hồ Gươm - một di sản cấp quốc gia đặc biệt.
Cụ thể, nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của 3 khối kiến trúc Pháp vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc Hồ Gươm. Tổ hợp kiến trúc mặt đứng về phân vị, tỷ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực. Các chi tiết kiến trúc và màu sắc cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo ấn tượng xa lạ.
Theo Trí thức trẻ