Thành phố Hà Nội với số dân gần 10 triệu người hiện đang sinh sống, học tập và làm việc, hằng năm đón khoảng 20 triệu khách du lịch đến thăm viếng mỗi danh thắng của Thủ đô. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm phục vụ cho đời sống của người dân Thủ đô, khách du lịch hằng năm là rất lớn: 890 nghìn tấn gạo; 139 nghìn tấn thịt lợn; 42 nghìn tấn thịt gà; 900 triệu quả trứng các loại; 54 nghìn tấn hải sản; 900 nghìn tấn rau các loại.
Trong khi sản xuất nông nghiệp thành phố mới đáp ứng được 69% thịt gia súc, gia cầm; 32% thủy sản các loại; 38% gạo tẻ chất lượng; 60% rau, củ quả; 18% quả tươi các loại. Còn lại sản phẩm được nhập từ các tỉnh, thành trong nước về tiêu thụ trên địa bàn thành phố chủ yếu do các thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối, chiếm từ 75-80%.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm hiện còn gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc giúp người tiêu dùng nhận diện những nông sản sạch, an toàn, đặc sản vùng miền của các địa phương trở thành yêu cầu bức thiết đối với các cơ quan quản lý của thành phố và người dân Thủ đô.
Tại Hội nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành một bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm.
Đây là điều kiện để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật để đảm bảo tính chủ động và giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt trên thị trường.
Mặt khác, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cũng mong muốn sớm đưa tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm là một tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng và công nhận các xã, huyện trên địa bàn thành phố đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn.