Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2015-2016, toàn thành phố thu học phí được khoảng 287,5 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 6,7% tổng chi phí trực tiếp của ngành giáo dục thành phố.
Trong số đó, đã phải dành ra tới 40% để chi thực hiện cải cách tiền lương, 60% còn lại được sử dụng để chi hỗ trợ phục vụ giảng dạy và học tập. Sở đánh giá, do thực tế “thiếu trước thiếu sau” này, mà các đơn vị ngành giáo dục đều gặp hạn chế về nguồn lực con người và trang thiết bị nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.
Dù được phép tăng học phí, tuy nhiên, tính toán của Sở GDĐT Hà Nội cho biết, tổng số học phí tăng thêm sẽ vào khoảng 112 tỷ đồng, chia cho gần 2.000 trường học trên địa bàn thành phố thì số bình quân không phải là nhiều.
Do vậy, giải pháp chính của Hà Nội vẫn là rà soát và cân đối lại định mức ngân sách chi cho đầu học sinh theo hướng tăng lên, nhằm hỗ trợ các trường có thêm nguồn thu đầu tư cho cơ sở vật chất và hoạt động dạy, học.
Đồng thời với đó, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường không ép buộc phu huynh học sinh đóng góp với danh nghĩa tự nguyện, và thực hiện đúng các khoản thu ngoài học phí theo quy định của thành phố.
Đáng lưu ý, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các trường: đối với các khoản thu đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị, nhà trường phải thực hiện theo nguyên tắc không ép buộc hoặc bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh. Nhà trường chỉ được vận động, thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp. Về khoản thu quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu, các trường phải thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh học sinh. Phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định.
Nói cách khác, Sở GDĐT Hà Nội cấm ép buộc cha mẹ học sinh tự nguyện đóng góp, nhưng không cấm việc tự nguyện đóng góp, hiểu theo nghĩa tự nguyện thực sự
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu