Hà Nội lại “tuyên chiến” với chợ cóc

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1885/UBND-CT, về tăng cường chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc, chợ tạm.
Hà Nội lại “tuyên chiến” với chợ cóc

Theo đó, công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội kiên quyết thực hiện ngay việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là đối với các tụ điểm dọc quốc lộ, tỉnh lộ, tụ điểm giao thông…

Đồng thời, rà soát, thống kê, phân loại các tụ điểm họp chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn để lập kế hoạch, đăng ký chỉ tiêu thực hiện giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm từ nay đến cuối năm 2015, báo cáo UBND thành phố trước ngày 15/4/2015.

Các sở, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn, tăng cường lực lượng giúp UBND quận, huyện, thị xã thực hiện việc giải tỏa các chợ cóc, chợ tạm và duy trì kết quả, không để xảy ra tình trạng tái họp chợ sau giải tỏa.

Công văn 1885/UBND-CT cũng nhấn mạnh, các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân ủng hộ chủ trương của các cấp chính quyền. Đồng thời, chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí để thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong quá trình thực hiện.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội cấm chợ cóc, chợ tạm. Tuy đã nhiều lần dẹp, nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại đâu vào đấy, chợ cóc vẫn mọc lại.

Mặc dù chợ cóc thường gây những bức xúc về vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông trên các đường phố, khu dân cư, nhưng bù lại, chợ cóc tiện lợi khi mà phương tiện của phần lớn người dân là xe máy, nên họ ngại vào các chợ chính thống, phải gửi xe mất thì giờ và tốn tiền.

Một lý do khiến chợ cóc vẫn tồn tại là do chúng ta quá thiếu chợ dân sinh. Sau khi giải tỏa chợ cóc, các quận, huyện không đủ địa điểm, diện tích để bố trí các hộ đang kinh doanh tại các tụ điểm di chuyển vào, nhất là trong khu vực nội thành.

Mặc dù Hà Nội đã xây dựng một số chợ truyền thống thành Trung tâm thương mại trị giá vài trăm tỷ đồng, nhưng bố trí gian hàng không hợp lý, giá thuê đắt, người tiêu dùng phải gửi xe khi vào chợ, nên đã khiến các trung tâm thương mại này ế ẩm.

Có lẽ Hà Nội nên thay biện pháp “cấm” thành “quản”, bố trí một số khu đất trống chưa sử dụng làm chợ tạm, có ban quản lý giữ trật tự vệ sinh môi trường, hoặc lập tổ tự quản từ chính các hộ kinh doanh. Áp dụng mức phí hợp lý, vừa phải với những hộ kinh doanh trong khu vực chợ này, bởi nếu thu phí cao quá thì sẽ không giữ họ ở lại lâu, và rồi họ lại ra vỉa hè, như thế thì bài toán dẹp chợ cóc vẫn mãi là “bắt cóc bỏ đĩa”.

Theo Báo Đầu tư