Hà Nội "không vội không xong", được hưởng cơ chế vượt trội

VietTimes -- Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Hà Nội có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều phòng thí nghiệm nên cần chọn lọc và tập trung dần để hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ có thể tương tác, chia sẻ, dùng chung các tiện ích hạ tầng, hợp tác đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng trong khoa học.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc -  Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với TP. Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn trong 9 tháng đầu năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các kết quả tích cực mà Hà Nội đạt được thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần nêu rõ ràng quan điểm trong xử lý các kiến nghị của Hà Nội, để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, vì “một lần làm là một lần khó”, nên không thể cứ nói chung chung.

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, Hà Nội đang đứng trước thách thức lớn về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quản lý đô thị khi mà xu hướng người dân dồn về Thủ đô ngày càng nhiều. Vì thế, Thành phố cần gắn việc điều chỉnh quy hoạch với ứng phó các thách thức; sớm xây dựng các khu đô thị ngoại ô để giảm áp lực cho nội đô; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, việc Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu có sự đóng góp quan trọng của Hà Nội và cho rằng cần có thể chế đặc thù cho Hà Nội. Phó Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Hà Nội đăng cai các giải thể thao quốc tế.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, ca ngợi của các nước về Việt Nam chủ yếu đều nhìn qua lăng kính Thủ đô Hà Nội. Như nhiều nước, việc nâng cao vai trò quốc gia là thông qua nâng cao vai trò Thủ đô, qua các hoạt động tầm cỡ như triển lãm quốc tế. Thời gian qua, nguồn lực đất nước dành cho Thủ đô tương đối lớn (chiếm 15-20% tổng vốn ODA là dành cho Hà Nội) nhưng đến nay tốc độ giải ngân của Hà Nội còn thấp, cần đẩy mạnh hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, câu “Hà Nội không vội được đâu” bây giờ có vẻ đã được ít nói hơn và dần dần chuyển sang nói câu “Hà Nội không vội thì không xong”. Phó Thủ tướng đề nghị phân cấp tối đa và có thể chế vượt trội cho Hà Nội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý Hà Nội cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch và triển khai quy hoạch đúng. Phó Thủ tướng cho rằng, việc triển khai dự án phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật; việc thu hồi đất phải hết sức cẩn trọng, tính toán kỹ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo đã chỉ ra một loạt thách thức Hà Nội đang vấp phải như: Thách thức quản lý siêu đô thị khi là Thủ đô có diện tích đứng thứ 17 trên thế giới, dân số cao. Hà Nội cũng gặp thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ mới, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng Hà Nội phải hợp tác liên kết mạnh mẽ và chặt chẽ với các địa phương lân cận, xóa bỏ địa giới hành chính đơn thuần và tận dụng lợi thế theo hướng lấy cụm ngành làm trung tâm, xóa bỏ sự manh mún, dàn trải cho các chính sách.

Hà Nội có nhiều trung tâm nghiên cứu, nhiều phòng thí nghiệm nằm rải rác khắp nơi, nên cần chọn lọc và tập trung dần để hình thành một hệ sinh thái, một cộng đồng khoa học công nghệ có thể tương tác, chia sẻ, dùng chung các tiện ích hạ tầng, làm tốt, tổ chức tốt việc hợp tác đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng trong giới khoa học. Đồng thời phải tối ưu hóa nguồn tài nguyên đất.

Theo Thủ tướng giá trị cốt lõi mà Thủ đô Hà Nội hướng tới phải là: Đô thị thông minh, phương thức quản lý dựa trên nền tảng công nghệ mới, cơ sở hạ tầng thông minh, xây dựng con người văn minh, xã hội gắn kết rộng mở. Tiếp tục xây dựng những tiêu chí thành phố vì hòa bình, thành phố năng động và hội nhập, thúc đẩy kinh doanh dựa trên nguyên tắc bình đẳng, công bằng, minh bạch.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã nêu 21 kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề như cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội; đầu tư cải tạo, xây dựng, nâng cấp chợ; tổ chức đăng cai các giải thể thao quốc tế; phân cấp quản lý y tế cơ sở; thuê dịch vụ công nghệ thông tin; cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư; cho phép lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số gói thầu tư vấn và dự án đặc thù; đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện một số dự án đầu tư lớn.