Hà Nội: Không ngại sự xung đột giữa chợ truyền thống và "chợ online"

VietTimes -- Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, đến tháng 8/2018 UBND Thành phố sẽ phê duyệt mạng lưới bán buôn, bán lẻ trong đó có quy hoạch chợ. Qua đó đặt ra việc phát triển thương mại điện tử, phát triển trung tâm thương mại, siêu thị, thương mại mặt phố và chợ truyền thống.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, để giải quyết vấn đề phát sinh trong những năm vừa qua về sự bùng nổ của kinh doanh qua mạng, UBND TP đã thành lập ban quản lý chỉ đạo kinh doanh qua mạng để chống các vấn đề tiêu cực, lừa đảo. Mặt khác, tăng cường công tác đảm bảo ATTP tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống để phục vụ nhân dân. Giám đốc Sở Công thương cho rằng, ở các nước phát triển, chợ dân sinh vẫn tồn tại vì vậy, chúng ta không ngại sự xung đột giữa truyền thống và hiện đại.
Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, về nạn chợ cóc, chợ tạm, Thành phố và các quận, huyện đã xử lý quyết liệt nhưng cứ dẹp khu vực nào lại mọc ra khu vực khác, chỉ thương mại điện tử phát triển thì mới quản lý được vấn đề này.

Theo thông tin từ Cổng giao tiếp điện tử của UBND TP. Hà Nội, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Hà Nội khoá XV vừa diễn ra hôm qua (5/7), Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng đã đăng đàn trả lời chất vấn về các vấn đề bức xúc trong công tác quản lý chợ như: xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, phân cấp quản lý nhà nước tại các chợ và quy hoạch các chợ truyền thống đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới.

Tại buổi chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thùy Dương cho rằng, hiện nay, cách mua bán qua mạng khiến kinh doanh ở chợ dần kém hiệu quả, nhu cầu ra chợ người dân ngày càng giảm, vậy có tính đến mô hình mới không hay chỗ nào có dân thì phải có chợ? Mô hình đầu tư nước ngoài (các cửa hàng tiện ích Circle K, Vinmart). Sở Công thương có giải pháp gì để chợ truyền thống của ta không bị lãng phí, tụt hậu.

Giám đốc Sở Công thương cho biết, Hà Nội hiện có 454 chợ kể cả khu vực thành thị và nông thôn và theo quy hoạch toàn Thành phố đến năm 2030 có 596 chợ. Theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận, huyện, trong giai đoạn 2017-2020 sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2.490 tỷ đồng .

Thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, các chương trình quản lý chợ, vệ sinh an toàn thực phẩm, thu phí chợ theo giám sát của Ban Kinh tế HĐND Thành phố.

Trong giai đoạn 2012-2016 đã chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác 161 chợ, doanh nghiệp quản lý 103 chợ… tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng.
Hà Nội: Không ngại sự xung đột giữa chợ truyền thống và "chợ online" ảnh 1
Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng trả lời chất vấn

Tuy nhiên theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong quản lý chợ hiện vẫn còn một số hạn chế tồn tại quy trình chuyển đổi một số chợ chưa công khai minh bạch, công tác chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp chợ bằng nguồn ngân sách còn khó khăn, chưa thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia khai thác, chỉ đạo công tác giải tỏa chợ cóc còn khó khăn.

Chính vì vậy, Thành phố đã quyết tâm hoàn thành công tác rà soát điều chỉnh mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2030, trong đó có mạng lưới chợ. Các chợ sau khi cải tạo phải bảo đảm các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu xúc tiến xây dựng chợ đầu mối nông sản tại các vùng huyện Mê Linh, Phú Xuyên, Quốc Oai, thị xã Sơn Tây, khẩn trương kêu gọi quản lý theo mô hình chợ UBND Thành phố đã phê duyệt.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về việc chuyển đổi chợ, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng cho biết, đến nay chỉ có 11 đơn vị có kế hoạch chuyển đổi, trong đó có 5 đơn vị trùng đơn vị cũ, do đó tổng cộng cho đến nay có 22 quận huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi. Quá trình này còn chậm bởi trong tổng số 454 chợ thì có 128 chợ lán tạm nên gây khó khăn cho kế hoạch chuyển đổi. Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục yêu cầu các quận, huyện tiếp tục xây dựng, UBND Thành phố sẽ phê duyệt trong tháng 10, các quận huyện xong tháng 8; sở ban ngành phê duyệt trong tháng 9 để đúng lộ trình.

Về vấn đề chợ cóc, Giám đốc Sở Công thương cho biết, cuối năm 2016 trên địa bàn Thành phố có 53 chợ cóc. Qua tết, chợ cóc mọc thêm lên hơn 200 chợ cóc. Theo ông Lê Hồng Thăng, vấn đề tuyên truyền đến người dân chưa đạt hiệu quả, bên cạnh đó phải đưa những hoạt động buôn bán văn minh như thương mại điện tử vào mới giảm được chợ cóc.

“Các quận huyện cũng xử lý quyết liệt nhưng cứ dẹp chợ cóc, chợ tạm ở khu vực nào là lại mọc ra khu vực khác, ở gốc cây có thể mọc lên chợ cóc, chợ tạm. Chỉ thương mại điện tử thì mới quản lý được vấn đề này”, ông Lê Hồng Thăng nêu ý kiến.

Giải trình thêm về việc quản lý chợ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, công tác quản lý chợ trong thời gian qua được Thành phố coi là yêu cầu và mục tiêu quan trọng trong phát triển hạ tầng xã hội, tạo công ăn việc làm, tạo môi trường cho các hộ kinh doanh và phục vụ đời sống dân sinh. Hiện nay nhu cầu hàng hoá qua chợ dân sinh chiếm 50%-60% đời sống nhu cầu của người dân nên công tác này đặc biệt quan trọng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo cụ thể đối với phát triển chợ và quản lý chợ.

Về việc chuyển đổi chợ, trong thời gian tới, Hà Nội phê duyệt thời gian đề các quận huyện chuyển đổi. Với 6 trung tâm thương mại chậm tiến độ, Phó Chủ tịch cho biết, UBND TP. Hà Nội giao Sở Công thương, Sở Kế hoạch đầu tư làm việc với các chủ đầu tư để thúc đẩy nhanh dự án.