Hà Nội: Khi phát hiện F0, toàn bộ trường học phải phong toả tạm thời

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Theo hướng dẫn liên ngành của Liên Sở Y tế - Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, khi phát hiện F0, toàn bộ trường học phải phong toả tạm thời, lớp nào ở yên lớp đó.

Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lớp học (Ảnh - Minh Thuý)
Học sinh đeo khẩu trang, ngồi giãn cách trong lớp học (Ảnh - Minh Thuý)

Đưa F0 đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển

Theo hướng dẫn của liên Sở Y tế - GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành, khi phát hiện F0 tại trường học, các trường phải kích hoạt phương án phòng, chống dịch của đơn vị và báo cáo ngay cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương; thông báo cho F0 và yêu cầu không tự ý di chuyển, không tiếp xúc gần dưới 1m với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí; hướng dẫn cho F0 di chuyển theo lối đi đã được phân luồng đến phòng cách ly tạm thời; hạn chế di chuyển bằng thang máy hoặc bố trí thang máy riêng và khử khuẩn theo quy định ngay sau khi sử dụng.

Các trường phải phong tỏa tạm thời toàn bộ trường; lớp nào ở yên lớp đó; thông báo cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đang có mặt tại nhà trường thông tin chính xác, không để xảy ra hoang mang, lo lắng; yêu cầu nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K. Trường thông báo và phối hợp với cơ quan y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tách F0 để cách ly, điều trị theo quy định.

Giáo viên đo nhiệt độ của học sinh (Ảnh - Minh Thuý)

Giáo viên đo nhiệt độ của học sinh (Ảnh - Minh Thuý)

Trường học có trách nhiệm phối hợp cơ quan y tế địa phương tiếp tục điều tra, truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với các trường hợp bệnh cụ thể.

Các trường học lưu ý phong tỏa tạm thời khu vực có liên quan đến F0 tùy thuộc mức độ di chuyển của F0 (học sinh, cán bộ, giáo viên dạy tại 1 lớp hay nhiều lớp); diện phong tỏa có thể toàn bộ trường học hoặc từng tầng/khu vực học, làm việc, phòng học có liên quan đến F0 theo chỉ định về dịch tễ; tổ chức truy vết F1 triệt để tại trường học và tại cộng đồng.

Sau đó, trường cần lập danh sách toàn bộ các trường hợp F1; tổ chức ngay việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho tất cả học sinh, giáo viên, người lao động đang ở trường hoặc lấy theo khu hoặc dãy lớp học hoặc theo tầng lớp học…; tổ chức truy vết F2; xem xét lấy mẫu xét nghiệm cho F2.

Hướng dẫn liên ngành lưu ý: Tùy theo đánh giá nguy cơ và hướng dẫn của y tế địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương quyết định việc hoạt động trở lại của trường học.
Đối với các trường hợp F0 đã khỏi bệnh và có giấy ra viện thì tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú đủ 14 ngày thì mới được trở lại trường học.

Trường học làm gì khi học sinh, giáo viên nghi nhiễm mắc COVID-19?

Khi trường học phát hiện học sinh, giáo viên có một trong các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở,…điều đầu tiên là thông báo cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường; cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho người nghi nhiễm, học sinh của lớp, người xung quanh; yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, tránh tiếp xúc gần dưới 1m với những người khác; phân luồng lối đi từ khu vực có trường hợp nghi ngờ đến phòng cách ly tạm thời (theo lối đi riêng), liên hệ với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, xét nghiệm SARS-CoV-2 và nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị; trường hợp này tuyệt đối không sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển; thực hiện khử khuẩn các khu vực liên quan theo đúng quy định; lập danh sách học sinh cùng lớp, người tiếp xúc gần để sẵn sàng cho việc truy vết F1 nếu người nghi ngờ trở thành F0.

Khi có trường hợp F1 tại trường học cần thông báo ngay cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của trường và của địa phương cần cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách; yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh; phân luồng lối đi từ khu vực có F1 đến phòng cách ly tạm thời…

Các trường cần lập danh sách các trường hợp F2. Tất cả các trường hợp F2 có biểu hiện nghi ngờ như mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở,… thì lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR; phối hợp hướng dẫn cho F2 về cách ly tại nhà, nơi lưu trú và chờ kết quả xét nghiệm của F1.
Đối với các trường hợp F1 đã cách ly đủ thời gian thì tiếp tục thực hiện theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ khi hoàn thành cách ly thì mới trở lại trường học.

Khi có F2 tại trường học cần thông báo ngay cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và của địa phương; hướng dẫn đưa F2 đến phòng cách ly tạm thời; phối hợp với cơ quan y tế để lấy mẫu xét nghiệm cho F2 nếu có biểu hiện triệu chứng….

Liên sở Y tế- GD&ĐT đề nghị Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế chỉ đạo các trạm y tế xã phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các trường trên địa bàn để xử lý kịp thời các trường hợp F0, F1, F2, không để dịch COVID-19 lây lan trong trường học và cộng đồng.