Việc xây dựng đô thị thông minh chính là xây dựng đô thị chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Để xây dựng đô thị thông minh, phải vừa nằm trong tổng thể quy hoạch thông minh, vừa trong tổng thể của chuyển đổi số với các địa phương. Dù việc đầu tư công nghệ rất tốn kém, nhưng con người mới là quyết định.

Trung tâm điều hành thông minh chỉ thực sự có giá trị nếu có được những con người thông minh
Trung tâm điều hành thông minh chỉ thực sự có giá trị nếu có được những con người thông minh

Đô thị thông minh là gì?

Đô thị thông minh là sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ IoT (Internet vạn vật) để thu thập dữ liệu và sử dụng các dữ liệu đó quản lý tài sản và các nguồn lực hiệu quả.

Đô thị thông minh là mô hình của một thành phố áp dụng những công nghệ hiện đại tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng đời sống, phục vụ chính quyền và cải thiện điều kiện cuộc sống về mọi mặt.

Một đô thị thông minh có cấu trúc như một cơ thể người, thì trí tuệ nhân tạo của thành phố sẽ là bộ não của chúng ta. Các hệ thống cảm biến đóng vai trò là các giác quan, còn hệ thần kinh chính là mạng lưới internet để kết nối hệ thống.

Riêng về dữ liệu – một thành tố không thể thiếu - bao gồm từ các thiết bị, người dân và tài sản được xử lý và phân tích để giám sát và quản lý hệ thống như: giao thông, mạng lưới cấp nước, quản lý chất thải , nhà máy điện, phát hiện tội phạm, hệ thống thông tin, trường học, bệnh viện, thư viện, và các dịch vụ cộng đồng khác.

Tuy nhiên, nếu là một đô thị được xây mới toàn phần, thì mọi việc có lẽ khá đơn giản, khi công tác quy hoạch được tính toán đầy đủ về công nghệ thông tin một cách hợp lý nhất.

Còn nếu triển khai đô thị thông minh trên nền tảng của một đô thị sẵn có, sẽ không đơn giản. Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lớn và đòi hỏi sự vận dụng linh hoạt đối với mỗi đô thị, nếu áp dụng không phù hợp sẽ gây hậu quả tiêu cực.

41/63 địa phương ở Việt Nam đã và đang triển khai đô thị thông minh

41/63 địa phương ở Việt Nam đã và đang triển khai đô thị thông minh

Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh/thành phố trực đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Về triển khai các dịch vụ đô thị thông minh, có khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh...; nguồn kinh phí xã hội hóa và nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện các dự án đô thị thông minh chiếm từ 50-90%.

Mô hình nào phù hợp với Việt Nam?

Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - thách thức lớn nhất hiện nay đối với các địa phương là hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh, để biết đâu là vấn đề quan trọng nhằm tập trung nguồn lực thực hiện. Từ vai trò của doanh nghiệp, người dân, Nhà nước... nếu không thống nhất được nhận thức vai trò của từng bên thì không thể thực hiện.

Đô thị thông minh thực chất là khái niệm "động", không có điểm đích, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố. Nhưng nó có đặc điểm chung là sẽ giải quyết các vấn đề của đô thị như môi trường, giao thông…hiệu quả, mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Đô thị thông minh cũng thể hiện nền kinh tế sáng tạo, người dân ứng xử văn minh hơn, an toàn hơn. Các công trình, dịch vụ đều được kết nối thuận tiện hơn để mọi người dân được tiếp cận dễ dàng.

Đặc biệt, đô thị thông minh, thành phố thông minh sẽ đi đôi với giải pháp quản trị xã hội thông minh, các dịch vụ công đáp ứng nhu cầu người dân phải tốt hơn. “Để xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh, công nghệ là không thể thiếu, nhưng quan trọng nhất là giải pháp về quản trị của chính quyền đô thị. Đây là nền tảng để phát triển các yếu tố tiếp theo” - ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Còn theo ông Nguyễn Minh Đức – đại biểu HĐND thành phố Hà Nội- để tiến tới một đô thị thông minh cần phải có ba trụ cột: Một là thể chế, hai là hạ tầng công nghệ thông tin và thứ ba là con người - yếu tố quan trọng nhất.

“Nhân sự hoạch định chính sách, những người xây dựng chính sách phải có ý chí chính trị để tiến tới nâng đỡ mô hình đô thị thông minh. Những người tham gia để sử dụng các công cụ này cần có sự nhiệt tình. Để thay đổi tư duy từ truyền thống sang hiện đại, cụ thể là việc sử dụng những công cụ trong đô thị thông minh không hề dễ dàng. Nhưng bắt buộc công chức, viên chức phải đổi mới trước tiên.

"Hiện tại, lãnh đạo Hà Nội luôn mang theo máy tính bảng để vừa họp vừa xử lý công việc, mọi chỉ đạo, phúc đáp, tương tác… đều trên môi trường internet và hạn chế chuyển công văn, giấy tờ. Nói vậy để thấy rằng chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để tiến tới một đô thị thông minh.

"Vấn đề còn lại là ý chí chính trị thống nhất cần phải cao hơn. Khi thay đổi phương thức thì khó tránh khỏi chỗ này được hưởng lợi, chỗ khác bị thiệt thòi. Do đó, cùng với thể chế, chính trị, việc thay đổi tư duy, từ người quản lý cho đến công dân là rất quan trọng” – ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Các nhà chuyên môn nói gì?

Theo TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam - để phát triển đô thị thông minh, bước đi đầu tiên là xây dựng quy hoạch thông minh. Sau đó kết nối hạ tầng thông minh song hành với phát triển nguồn lực thông minh.

Đô thị ảnh hưởng đặc biệt tới con người, đến môi trường sống, đến chất lượng cuộc sống. Vì thế, người ta đặt ra xu thế phát triển bền vững với đô thị với việc phải tính đến lợi ích cho các thế hệ mai sau.

Tại Việt Nam, một loạt vấn đề cụ thể hóa của phát triển bền vững đã được đặt ra như đô thị bền vững, đô thị sinh thái, đô thị xanh và tiếp đó là đô thị thông minh - thực chất là một bước đi của phát triển đô thị bền vững.

Hạ tầng kỹ thuật luôn luôn là áp lực lớn cho việc phát triển đô thị thông minh. Do vậy, muốn xây dựng thành một đô thị thông minh không phải chuyện một sớm một chiều khi dân số đông, hạ tầng yếu kém. Ngay việc chúng ta hoàn thiện phần mềm để biết là đoạn đường nào đang bị tắc và khu vực nào đang bị ô nhiễm môi trường cũng là một bài toán. Chúng ta buộc phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh.

Ứng dụng hạ tầng thông minh, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Hạ tầng thông minh này phải kết nối được các đô thị (sử dụng công nghệ thông tin, quản lý điều hành thông qua các thiết bị thông minh...).

Để xác định được đô thị thông minh bền vững, phải xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó quan trọng là cơ sở hạ tầng - tức là có vai trò của công tác quy hoạch, xây dựng.

Muốn trở thành đô thị thông minh, phải có những không gian thông minh, kết nối các trang thiết bị hiện đại… Với những khu đô thị xây dựng mới phải tạo ra được không gian thông minh thân thiện với con người, thích ứng với biến đổi môi trường…

Về quản lý đô thị, đây là một vấn đề phức tạp không chỉ có mục tiêu thông minh mà còn phụ thuộc vào năng lực quản lý đô thị thông minh, không chỉ thể hiện ở cơ cấu tổ chức mà nằm ở trí tuệ của đội ngũ quản lý và phương thức quản lý (ứng dụng dữ liệu số, ứng dụng công nghệ).

Để có được đô thị thông minh là phải có một thể chế hoàn thiện, lấy con người làm trung tâm và phải có những con người biết dùng công cụ thông minh.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết, các đô thị của chúng ta đương nhiên có phần xây mới, nhưng phần lớn là cải tạo từ các điểm dân cư nhỏ lẻ. Cho nên phải có một bức tranh toàn cảnh để phân loại các công việc cần làm và chọn ra các dự án ưu tiên cùng những bước đi thích hợp.

Còn theo TS. Đào Thị Như – chuyên viên Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng - thì nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông có thể thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị thông minh, nhưng công nghệ thông tin chỉ là một nội dung hoặc là công cụ thúc đẩy để đạt được mục tiêu làm cho cuộc sống của cộng đồng tốt hơn và phát triển cá nhân nhiều hơn.

Tầm nhìn thông minh sẽ quy định và quyết định mọi kế hoạch hành động, là đích đến cho các lĩnh vực đa ngành. Mỗi thành phố có một tầm nhìn thông minh cho riêng mình, nhưng cái đích của sự phát triển đô thị chính là hướng đến sự phát triển bền vững, không đánh đổi phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

Là chuyên gia công nghệ thông tin trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Nhật Quang – Chủ tịch Công ty phần mềm Hài Hoà - khẳng định, việc xây dựng đô thị thông minh chính là xây dựng đô thị chuyển đổi số. Tuy nhiên, nhiều người cứ nghĩ đô thị thông mình là một đề án riêng, còn đề án chuyển đối số của địa phương lại là một đề án khác. Cần hiểu rằng, xây dựng đô thị thông minh nằm trong tổng thể chuyển đối số của địa phương.

Đô thị mới phải "thông minh" ngay từ đầu chứ không chờ CNTT

Đô thị mới phải "thông minh" ngay từ đầu chứ không chờ CNTT

Ông Nguyễn Nhật Quang đưa ra ví dụ khi xây dựng một khu đô thị mới, một khu công nghiệp, sân bay hay cảng… phải “thông minh” ngay từ đầu. Không phải xây dựng các công trình không thông minh, sau đó để chính quyền vào rồi gọi sở thông tin truyền thông đến làm cho nó trở thành thông minh. Cũng không phải xây dựng hệ thống y tế số để thay thế cho hệ thống y tế thực, hay dùng hệ thống giáo dục số thay cho hệ thống giáo dục thực… Tức là, chúng ta dùng công nghệ số để thông minh hoá hệ thống hạ tầng giao thông vật lý, hạ tầng giáo dục vật lý hiện có.

Con người là yếu tố quyết định

Rõ ràng, để xây dựng đô thị thông minh thì phải vừa nằm trong tổng thể quy hoạch thông minh, vừa trong tổng thể của chuyển đổi số với các địa phương. Dù việc đầu tư công nghệ rất tốn kém nhưng con người mới là quyết định.

Chính vì thế, lãnh đạo một cơ quan nghiên cứu chiến lược (đề nghị không nêu tên) khẳng định là không thể có đô thị thông minh, nếu không có nhà lãnh đạo của chính đô thị đó là con người thông minh. Điều này không dễ, bởi tố chất hội đủ cho một nhà lãnh đạo đô thị cả về tầm nhìn và thực tiễn là không hề đơn giản với đô thị thông minh.