Theo kế hoạch mới ban hành của UBND TP Hà Nội, dự kiến đến ngày 15/12/2016, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp sẽ được triển khai tại tất cả 584 xã/phường trên địa bàn Hà Nội. Trước đó, từ ngày 10/8/2016, hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường được mở rộng tới 144 phường thuộc 10 quận còn lại của Hà Nội.
Như vậy, người dân có thể truy cập vào Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến của TP Hà Nội tại địa chỉ www.egov.hanoi.gov.vn để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức 3 thuộc lĩnh vực tư pháp như: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn; trích lục đăng ký khai sinh; chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.
Đồng thời, được biết, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu vừa ký ban hành Kế hoạch triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.
Theo đó, trên cơ sở kết quả triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tại 12 quận nội thành, UBND Thành phố tiếp tục thực hiện triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã, liên thông thủ tục hành chính theo Thông tư liên tịch 05 ngày 15/5/2015 của liên Bộ Tư pháp, Công an, Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (Thông tư 05) tại 416 xã/phường/thị trấn thuộc 18 huyện/thị xã đảm bảo thống nhất và đồng bộ.
Kế hoạch này cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực tư pháp, hộ tịch của UBND các xã/phường/thị trấn để cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 416 xã/phường/thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Trong đó, ở giai đoạn 1, sẽ triển khai thí điểm tại 139 xã thuộc 6 huyện, cụ thể: 24 xã thuộc huyện Đông Anh; 26 xã thuộc huyện Sóc Sơn; 20 xã thuộc huyện Hoài Đức; 16 xã thuộc UBND huyện Thanh Trì; 31 xã thuộc huyện Ba Vì; và 22 xã thuộc huyện Gia Lâm.
UBND TP Hà Nội dự kiến thời gian chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn 1 là trong tháng 10/2016; thời gian vận hành thử hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 139 xã thuộc 6 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Hoài Đức, Thanh Trì, Ba Vì và Gia Lâm từ ngày 1/11/2016 và vận hành chính thức vào ngày 10/11/2016.
Với giai đoạn 2 có thời gian chuẩn bị trong tháng 11/2016, dự kiến vận hành thử từ ngày 1/12/2016 và vận hành chính thức từ ngày 15/10/2016, sẽ triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức 3 lĩnh vực tư pháp cấp xã tại 277 xã/phường/thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã gồm: 15 xã thuộc Thị xã Sơn Tây; 29 xã thuộc huyện Thường Tín; 28 xã của huyện Phú Xuyên; 16 xã thuộc huyện Đan Phượng; 18 xã thuộc huyện Mê Linh; 23 xã thuộc huyện Phúc Thọ; 21 xã thuộc huyện Quốc Oai; 32 xã thuộc huyện Thạch Thất; 32 xã thuộc huyện Chương Mỹ; 21 xã thuộc huyện Thanh Oai; 29 xã thuộc huyện Ứng Hòa; và 22 xã của huyện Mỹ Đức.
Để triển khai theo đúng tiến độ, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, VNPT Hà Nội, Công ty TNHH Viettel CHT (Viettel IDC) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường, Công ty Microsoft: đảm bảo điều kiện hệ thống mạng WAN, Trung tâm dữ liệu, hệ thống tổng đài nhắn tin, máy tính hoạt động ổn định phục vụ tốt cho việc cài đặt và sử dụng khai thác CSDL dân cư, các dịch vụ công trực tuyến mức 3 theo từng giai đoạn.
Cụ thể, thời hạn UBND TP Hà Nội yêu cầu phải hoàn thành các điều kiện kỹ thuật nêu trên cũng như việc tạo tài khoản, tập huấn cho cán bộ sử dụng, hỗ trợ các đơn vị vận hành, cài đặt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức 3, triển khai thí điểm giải pháp ảo hóa là trước ngày 1/11/2016 với các xã thuộc giai đoạn 1 và trước ngày ngày 1/12/2016 với những xã triển khai trong giai đoạn 2.