Tại buổi sinh hoạt, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại đã chia sẻ, đối thoại trực tiếp về nhiều vấn đề xung quanh chương trình "Công nghệ Giáo dục" - mà ông được xem như "cha đẻ".
Xem trực tiếp tại đây:
...
Trước khi đi sâu lý giải chương trình Công nghệ giáo dục - vốn vẫn gây tranh cãi suốt 40 năm qua, ông Hồ Ngọc Đại kể về quá trình hình thành tư duy của bản thân.
Vị Giáo sư tỏ ra tâm đắc với những kiến thức và phương pháp giáo dục mà ông đã được tiếp thu từ những người thầy trong thời gian học Phó Tiến sĩ ở Liên Xô.
...
“Muốn học cái gì thì trước hết phải làm bằng tay, học sinh muốn học thì phải tự làm bằng tay! Mối liên hệ giữa hiện tượng phải do trẻ em tự phát hiện lấy chứ không phải qua nghe giảng!” – Gs. Đại nhấn mạnh.
Đây là quan điểm mà ông Hồ Ngọc Đại đã đúc rút ra sau một tiết dạy thực nghiệm khi ông thực hiện trong quá trình học tập bên Nga. Đó là tìm kiếm phương pháp giảng dạy phép nhân cho học sinh lớp 2.
Theo một cách cổ điển, có 3 giải pháp cơ bản là đi từ phép cộng, tích Descartes và đi từ tiên đề. Tuy nhiên, cả ba phương pháp này đều chưa thực sự làm cho ông Đại hài lòng.
(ảnh: Đăng Khoa)
|
Mở trường thực nghiệm là hành vi có trách nhiệm nhất với đất nước mà tôi làm được!
“Có chuyện người ta hiểu lầm”, GS. Hồ Ngọc Đại chia sẻ.
Theo vị Giáo sư, hồi về nước, ông là TSKH đầu tiên, nhưng bản thân chưa bao giờ ghi mình là GS.TSKH.
Ông Đại nói “muốn trực tiếp đương đầu với đời”. Dù lúc mới về “còn oai lắm”, “Thủ tướng tiếp ở văn phòng Phủ Chủ tịch, Bộ trưởng ngồi hai hàng”.
Theo ông Đại, sau khi ông về nước, từng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều lãnh đạo nhà nước đề bạt vào những cương vị cao trong hệ thống quản lý giáo dục. “Nhưng tôi đề nghị được cho đi dạy lớp 1”.
Mọi người còn tưởng ông Đại nói đùa, nhưng đó là mong muốn thực sự của vị TSKH người Việt đầu tiên tốt nghiệp ở Liên Xô.
- Tiến sỹ nói nghiêm chỉnh đi!
- Tôi nói nghiêm chỉnh! Với điều kiện cho tôi mở trường thực nghiệm!
Nhưng vẫn có người khuyên can. “Anh đi về mà mở trường thực nghiệm là phí”, họ mời ông Đại làm Thứ trưởng Giáo dục. Nhưng ông Đại trả lời thẳng thắn: “Tôi nghĩ, làm Thứ trưởng thì hàng ngàn người làm hơn tôi. Còn việc kia thì không mấy người hơn tôi".
Với thái độ và quyết tâm nghiêm chỉnh, ông Đại đã được chấp thuận thực hiện mong muốn của bản thân. “Tôi mở trường thực nghiệm do lệnh của ông Phạm Văn Đồng”.
Sau 4 thập kỷ, đến ngày hôm nay, ông Đại vẫn khẳng định: Mở trường thực nghiệm là hành vi có trách nhiệm nhất với đất nước mà tôi làm được!
"Điều mà tôi mong muốn là tạo nên nền giáo dục hiện đại phải là những thứ nền giáo dục chưa hề có. Nền giáo dục hiện đại của tôi sẽ không theo gương ai hết để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó, không phỏng theo ai được. Nền giáo dục đầy ảo tưởng sẽ làm khổ rất nhiều người”, GS. Hồ Ngọc Đại nói.
Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề "Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0" của CLB Cafe Số với người diễn thuyết là Giáo sư Hồ Ngọc Đại
|
"Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn"
Đề cập tới việc áp dụng lý thuyết vào giảng dạy tại Việt Nam hiện nay, GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng những hoạt động của giới nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục đa phần mới chỉ dừng ở mức thi cử nội bộ, là “trò chơi chữ” với nhau, chưa chắc đã thực hiện được trong thực tế.
“Tiếng nói là tiếng nói hàng ngày, thông thường, chứ đâu phải định danh quy ước với nhau. Khi 100% dân số đi học, ngôn ngữ ấy là ngôn ngữ hàng ngày chứ không phải trong sách vở” – GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ thêm về nguyên tắc sư phạm “thầy giao việc, trò làm việc” của mình.
Cụ thể, thầy (cô) giáo sẽ thực hiện theo dõi quá trình làm việc đó. Việc đánh giá kết quả cũng khéo léo lựa chọn từ ngữ, phù hợp với tâm lý của trẻ em.
(ảnh: Đăng Khoa)
|
Với quan điểm trân trọng từng giây phút của trẻ em, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Cuộc đời trẻ em rất hay, có sự sống riêng của nó. Phải dùng cái tích cực (thực tế) của cuộc sống để giảng dạy, không thể dùng những sự ảo tưởng của người lớn mà áp đặt lên các em.”
"Tôi là người có ý thức về xây dựng một nền giáo dục và sứ mệnh của tôi là tạo ra nền giáo dục chưa hề có trong lịch sử. Không bác bỏ quá khứ, tận dụng quá khứ nhưng nên được hưởng những cái mới. Lý thuyết nào sinh ra cũng có công nghệ thực thi và tôi có công nghệ giáo dục", ông Đại nói.
Trước câu hỏi của PV rằng mô hình công nghệ giáo dục của ông có tương lai như thế nào (?), GS Hồ Ngọc Đại tự tin khẳng định, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn. Đồng thời làm rõ rằng, công nghệ giáo dục không phải là công trình của cá nhân ông.
"Công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn vì đây là công trình mang tính lịch sử chứ không phải là sản phẩm của một cá nhân tôi", GS Hồ Ngọc Đại nói một cách đầy tự tin.
Vị Giáo sư già kết thúc buổi chia sẻ trong tràng vỗ tay của toàn hội trường, và những cái ôm chặt của nhiều thế hệ cựu học sinh trường thực nghiệm; Họ giờ đều đã là những bậc phụ huynh, biết tin về buổi chia sẻ của GS. Đại, nên chủ động đến dự./.