Grab đã đạt được cột mốc quan trọng vào ngày 26/10 khi số cuốc xe hoàn thành tại 7 thị trường Đông Nam Á đạt mốc 10 con số.
Grab được thành lập tại Malaysia vào năm 2012 và hiện nay hãng đang cung cấp dịch vụ tại 142 thành phố thuộc Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Myanmar. Ban đầu, Grab chỉ cung cấp dịch vụ taxi truyền thống, nhưng sau đó đã mở rộng ra các xe tư nhân, dịch vụ đi chung, xe máy và dịch vụ giao hàng, với cách thức tuyển lựa đối tác tài xế giống như Uber.
Grab nhận được sự hậu thuẫn của ngân hàng Softbank và hãng Didi (Trung Quốc). Hai tổ chức trên đã đầu tư 2 tỷ USD cho Grab và hiện nay giá trị của Grab đã tăng lên 6 tỷ USD, trở thành công ty công nghệ có giá trị lớn nhất Đông Nam Á. Về đối tác tài xế, hiện nay Grab có hơn 2 triệu người và ứng dụng đặt xe của hãng đã có 68 triệu lượt tải về.
Để so sánh, Uber đã hoàn thành được 5 tỷ chuyến đi trong tháng 6 vừa qua, nhưng hãng này không tiết lộ số liệu chi tiết. Hãng Didi cũng tham gia vào “câu lạc bộ 1 tỷ”. Lyft, dịch vụ đặt xe lớn thứ hai ở Mỹ, cũng đã đạt 500 triệu cuốc xe trong mùa hè vừa qua và mỗi ngày tiếp tục hoàn thành 1 triệu cuốc xe.
Grab đã phát triển đáng kể trong lịch sử 5 năm của hãng, và đặc biệt Grab đã mở rộng thành fintech trong 18 tháng qua. Nếu như năm 2016 hãng mới đưa vào hình thức thanh toán tiền xe bằng thẻ tín dụng, thì tuần trước, hãng này đã bổ sung thêm khả năng thanh toán rộng hơn cho tính năng GrabPay. Ở Singapore, GrabPay có thể được sử dụng để mua thực phẩm mà không cần đến tiền mặt hoặc thẻ. Grab đang có kế hoạch mở rộng dịch vụ cho nhiều quốc gia khác.
Người đồng sáng lập Grab, ông Hooi Ling Tan nói với trang công nghệ TechCrunch trong một cuộc phỏng vấn hồi tuần trước rằng: "Đây là một bước ngoặt đáng kể cho việc GrabPay thực sự thay thế tiền mặt. Nếu tôi để ví ở nhà, tôi vẫn có thể trả tiền ăn sáng, trưa và tối. Tôi sẽ có thể mua các thiết bị công nghệ hoặc hàng tạp hóa thông qua GrabPay".