Báo cáo An toàn quảng cáo năm 2020 của Google vừa được công bố, cho thấy lượng vi phạm về quảng cáo tăng mạnh trong năm vừa qua. Theo đó, Google đã xóa 3,1 tỷ nội dung vi phạm chính sách, đồng thời hạn chế hiển thị với 6,4 tỷ nội dung khác.
Trong các quảng cáo bị xóa, có 867 triệu nội dung "lạm dụng hệ thống quảng cáo để đánh lừa người dùng click chuột".Thuốc và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là lĩnh vực đứng thứ hai về số lượt vi phạm.
2020 là năm đầu tiên Google bổ sung việc hạn chế quảng cáo, thay vì chặn hoặc xóa. Khi bị hạn chế, mẫu quảng cáo chỉ có thể tiếp cận được một bộ phận người dùng, tùy thuộc địa lý hoặc luật pháp địa phương. "Chẳng hạn, các hiệu thuốc muốn quảng cáo phải hoàn thành một chương trình để được chứng nhận, đồng thời nội dung này sẽ chỉ hiển thị tại các quốc gia cho phép bán thuốc trực tuyến", Google giải thích.
Quảng cáo thuốc xuất hiện trên YouTube tại Việt Nam. |
Lĩnh vực có nhiều quảng cáo vi phạm nhất là sức khỏe và y tế. Báo cáo cho biết đã có hơn 99 triệu nội dung liên quan đến Covid-19, bao gồm các "phương pháp chữa bệnh thần kỳ", vắc-xin giả, khẩu trang N95. Tát cả đều bị chặn hoặc xóa.
Nhiều hình thức lừa đảo mới xuất hiện trên mạng quảng cáo của Google, như quảng cáo doanh nghiệp ảo, các trò lừa trên điện thoại, nhằm dụ người dùng truy cập vào các nền tảng khác để lừa đảo. Công ty này cho biết đã vô hiệu hóa 1,7 triệu tài khoản quảng cáo vi phạm, tăng 70% so với năm 2019. Hơn 1,6 triệu trang web của các nhà xuất bản cũng bị ngừng phân phát quảng cáo vì các nội dung không phù hợp.
Thời gian qua, các quảng cáo dạng "nhà tôi ba đời trị bệnh xương khớp", xuất hiện nhiều trên YouTube tại Việt Nam, trong khi Việt Nam không nằm trong nhóm nước cho phép bán thuốc theo toa trực tuyến. Google cho biết "khi phát hiện những quảng cáo vi phạm chính sách, chúng tôi sẽ nhanh chóng gỡ bỏ". Tuy nhiên, các quảng cáo dạng này hoành hành trong suốt năm 2020 và kéo dài đến gần đây.
Theo VnExpress
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu