Vào tháng 4/2019, công ty Alphabet cũng đã thông báo với Ủy ban An ninh quốc gia Mỹ rằng họ đã chi hàng trăm triệu USD để theo dõi và kiểm duyệt các video tải lên YouTube.
Ảnh: The Economic Times
|
Trong thư, Google cho biết đã kiểm tra hơn 1 triệu video trên YouTube nghi ngờ có nội dung khủng bố. Sau khi kiểm tra, có khoảng 90.000 video được coi là vi phạm chính sách chống nội dung khủng bố của Google. Tin tức này đã được công khai vào hôm thứ Năm ngày 2/5/2019. Google chia sẻ rằng đã phải tăng hiệu suất làm việc gấp đôi để tìm ra các video có nội dung cực đoan.
Vào tháng 3, Hạ viện Mỹ cũng đưa ra thông cáo khuyến khích các mạng xã hội trực tuyến như Facebook, YouTube, Microsoft và Twitter nỗ lực hơn nữa trong việc chống lại nội dung khủng bố sau vụ xả súng tại một nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand. Trong vụ tấn công khủng bố này, kẻ xả súng đã quay lại video và chia sẻ trên Facebook hơn một giờ trước khi bị xóa.
Ảnh: Tech Times
|
Google, Facebook, Twitter và Microsoft đã được yêu cầu tiết lộ ngân sách chống khủng bố của họ, nhưng các công ty đều khá kín tiếng về điều đó, vì vậy con số “hàng trăm triệu đô la” của Google được xem là lời bộc bạch đầu tiên của công ty về vấn đề này. “Việc một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới không thể cho chúng tôi biết họ có thể làm gì để ngăn chặn nội dung khủng bố và cực đoan là không thể chấp nhận được”, một thành viên trong Quốc hội Mỹ nói.
Trong khi cả Microsoft và Facebook đều chưa đưa ra được câu trả lời cho Hạ viện Mỹ thì Google cho biết họ có hơn 10 000 nhân viên chịu trách nhiệm kiểm tra các nội dung đăng tải. Twitter cho biết rất khó để đưa ra chính xác khoản tiền dùng cho việc bảo vệ trang mạng xã hội khỏi các nội dung độc hại. Tuy vậy, họ cũng chia sẻ rằng công ty đã cấm 1,4 triệu tài khoản tính từ đầu tháng 8/2015 đến cuối tháng 6/2018 vì nghi ngờ liên quan đến khủng bố.
Theo Tech Times