Theo Reuters, động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa chính quyền Washington và Bắc Kinh ngày một căng thẳng.
Theo quy định được đề xuất, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép của đất nước này trước khi cung cấp chip cho Huawei.
Điều này có nghĩa Mỹ sẽ siết chặt hơn các quy định về việc cấp phép cho đối tác sản xuất chip đang làm việc với Huawei. Một trong những nguồn tin cho biết quy tắc này nhằm kiềm chế doanh số bán chip cho Huawei bởi TSMC - một trong những nhà cung cấp lớn nhất thế giới.
Hiện chưa rõ Tổng thống Donald Trump có quyết định phê duyệt đề xuất này hay không. Nếu có, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào Huawei và TSMC, kể cả các công ty của Mỹ.
“Điều này sẽ có tác động tiêu cực nhiều hơn đến các công ty Mỹ chứ không phải Huawei. Cuối cùng, họ sẽ tìm giải pháp thay thế”, luật sư thương mại Doug Jacobson nhận định.
Động thái này có thể khiến Bắc Kinh tức giận. Trước đó, Mỹ luôn gây sức ép buộc các đồng minh loại trừ Huawei khỏi danh sách triển khai hạ tầng mạng 5G vì lo ngại phần mềm gián điệp. Huawei luôn bác bỏ những cáo buộc này.
Hầu hết nhà sản xuất chip đều phụ thuộc vào thiết bị được sản xuất bởi các công ty Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials, theo một báo cáo năm ngoái từ China’s Securities Everbright.
Hiện Huawei và TSMC đều từ chối bình luận vụ việc.
Một trong những nguồn tin cho biết việc thay đổi quy tắc nhằm hạn chế việc bán chip kém chất lượng hoặc chip cũ cho Huawei. Theo ông Kevin Wolf, một cựu quan chức của Bộ Thương mại, rất khó để nói về tác động của quy tắc mới nếu được thông qua.
Tháng 5 năm ngoái, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen vì lo ngại về an ninh quốc gia. Danh sách này cho phép chính phủ Mỹ hạn chế việc bán hàng hóa do Mỹ sản xuất cho Huawei.
Nhưng theo các quy định hiện hành, những chuỗi cung ứng quan trọng của nước ngoài vẫn có thể cung cấp sản phẩm cho Huawei, Reuters đưa tin vào tháng 11.
Theo Zing