Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng: Có thể quản lý đất đai như quản lý cước điện thoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng - nêu quan điểm có thể xem việc quản lý đất đai như quản lý cước điện thoại, chỉ cần gõ địa chỉ, toàn bộ dữ liệu mà người dân quan tâm nhất đều hiện ra.
Ông Nguyễn Quang Thanh trao đổi với VietTimes bên lề Họp báo phát động Giải thưởng Chuyển đổi số 2021 - diễn ra mới đây.
Ông Nguyễn Quang Thanh trao đổi với VietTimes bên lề Họp báo phát động Giải thưởng Chuyển đổi số 2021 - diễn ra mới đây.

So sánh với việc quản lý cước điện thoại, ông Nguyễn Quang Thanh cho rằng Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tại địa phương cần đồng bộ dữ liệu, cung cấp thông tin mà người dân quan tâm đối với đất đai trên địa bàn.

Nội dung trên được đề cập trong cuộc trao đổi của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng với VietTimes bên lề Họp báo phát động Giải thưởng Chuyển đổi số 2021 - diễn ra mới đây.

- Xin ông đánh giá vai trò của chuyển đổi số trong liên thông công việc giữa các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn TP.Đà Nẵng thời gian gần đây? Ở Đà Nẵng, chuyển đổi số đã giúp ích thế nào trong liên thông thông tin?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Khi nói về quá trình ứng dụng CNTT, chúng ta đã có cả một quá trình dài tin học hoá, sau đó thực hiện ứng dụng CNTT, xây dựng thành phố thông minh và nay là chuyển đổi số.

Đây là các bước tiến về quản lý trong cả quy trình tác nghiệp của một vấn đề nào đó, đồng thời phải sinh ra dữ liệu. Không chỉ có giá trị trong nội bộ một tổ chức, dữ liệu đó cần được kế thừa và gia tăng giá trị. Điều đó cho thấy, việc dữ liệu cần được chia sẻ là vấn đề quan trọng. Không chỉ là trao đổi trong hệ thống thông tin với nhau, các cấp quản lý có thể dựa vào dữ liệu đó để đưa ra quyết định. Chính vì vậy, nhu cầu chia sẻ hệ thống thông tin từ các dữ liệu để hỗ trợ cho các lãnh đạo ra quyết định là điều hết sức quan trọng.

Tuy vậy, việc trao đổi dữ liệu, thông tin chủ yếu vẫn là do con người. Bởi bản chất của các thông tin ban đầu được xây dựng là hệ thống những dữ liệu rời rạc. Sau này có sự phát triển của internet, phát triển của công nghệ, băng thông,… bắt đầu cho phép mở rộng, nhu cầu trao đổi thông tin dữ liệu ngày càng tăng lên. Nhu cầu này là yếu tố công nghệ, nhưng rõ ràng việc chia sẻ dữ liệu - do tính lịch sử là những hệ thống thông tin dữ liệu rời rạc - thì để kết nối, liên thông và trao đổi thông tin được với nhau thì phải có chuẩn về mặt trao đổi.

Trong quá trình xây dựng tài liệu các vấn đề về mặt kỹ thuật, cho đến hiện nay, có khá nhiều các chuẩn thông tin trao đổi dữ liệu. Có những hệ thống thông tin vừa mới xây nhưng người ta dễ dàng theo tiêu chuẩn mới. Trong khi đó, có những hệ thống thông tin đã được xây dựng trước đây, để xây dựng phù hợp với cái mới thì đó cũng là vấn đề khó khăn do không tương thích. Nhiều khi người ta muốn chia sẻ, nhưng về mặt kỹ thuật không cho phép.

Dữ liệu về đất đai cần được đồng bộ để phục vụ tra cứu. Ảnh minh họa.

Dữ liệu về đất đai cần được đồng bộ để phục vụ tra cứu. Ảnh minh họa.

- Đứng dưới góc độ Sở TT&TT, ông nhận thấy những khó khăn nào còn tồn tại? Tập thể Sở TT&TT có những mong muốn gì để đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số ở địa phương?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Chúng tôi mong muốn có thể trao đổi hệ thống thông tin giữa các đơn vị, nhưng hiện nay, thực tế tại TP. Đà Nẵng thì đang nằm trong một chính sách chung. Các hệ thống dữ liệu của chính quyền có thể trao đổi với nhau. Tuy nhiên việc trao đổi giữa chính quyền với các cơ quan Đảng còn gặp khó khăn do mang tính chất đặc thù của cơ quan Đảng. Vì vậy, tôi vẫn mong muốn việc trao đổi thông tin giữa địa phương và cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, mặt trận, đoàn thể,… phải đảm bảo tính đồng bộ.

Hiện nay, đối với đặc thù cơ quan Đảng, mặc dù lãnh đạo toàn diện nhưng hệ thống thông tin chưa được đồng bộ, trong khi bên dưới khối chính quyền lại có thể trao đổi được. Ví dụ, chính quyền tỉnh cũng quản lý cán bộ công chức viên chức là Đảng viên, nhưng không thể kết nối được với cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý Đảng viên trong các cơ quan Đảng. Nhiều khi, sự can thiệp của bàn tay con người khiến việc trao đổi thông tin cũng bị hạn chế. Dữ liệu của cơ quan nhà nước kết nối với cơ quan Đảng làm sao đảm bảo tính toàn vẹn cũng còn tồn tại những khó khăn.

- Xin ông cho biết, các sở, ngành có tính chất giao tiếp cao với người dân như Sở Y tế, Sở TNMT, Sở Xây dựng,…công tác chuyển đổi số có diễn ra đúng như mong đợi của lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP chưa?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Hiện nay, Đà Nẵng cũng có cả một quá trình dài phát triển. Như Thứ trưởng Bộ TT&TT nhận định, Đà Nẵng có hơn 20 năm hành trình để đến bây giờ bắt đầu thực hiện công cuộc chuyển đổi số.

Từ năm 2000 với Nghị quyết 07, năm 2003 với Nghị quyết 03 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, Đà Nẵng đã hình thành Nghị quyết do Ban chấp hành Đảng bộ thông qua. Điều này cho thấy Đà Nẵng nói chung và lãnh đạo cao nhất của TP nói riêng xem việc chuyển đổi số là một trong những nền tảng để Đà Nẵng phát triển kinh tế - xã hội.

TP đã thành lập Hội đồng tư vấn chuyển đổi số. Bí thư Thành uỷ là người làm việc trực tiếp và họp hội đồng chuyên gia để nghe tư vấn về chuyển đổi số. Điều này cũng cho thấy sự quan tâm của Đà Nẵng trong quá trình chuyển đổi số, xem đây là một trong những điều kiện để Đà Nẵng phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng.

- Được biết, trong hơn 130 nhiệm vụ của tiến trình chuyển đổi số ở Đà Nẵng, người dân có thể tra cứu qua mạng các thông tin về đất đai, quỹ đầu tư,… Đà Nẵng cũng đã triển khai từ 2014, đến năm 2019 đã công bố công khai cổng thông tin đất đai TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, tôi được biết vấn đề công bố tra cứu còn gặp những vướng mắc do cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ, xin ông chia sẻ? Đến khi nào người dân có thể tra cứu được thông tin cơ bản về đất đai, tài nguyên môi trường trên địa bàn TP?

Ông Nguyễn Quang Thanh: Hiện nay, theo chỉ đạo của Bí thư và Chủ tịch UBND TP, Sở TT&TT sẽ có khảo sát đánh giá lại quá trình xây dựng cơ sở đất đai của Sở TNMT. Thực tế, người dân hiện nay đã có thể tra cứu thông tin về dữ liệu đất đai trên cổng thông tin của Sở TNMT. Tuy nhiên, bất cứ hệ thống thông tin nào cũng vậy, để có thông tin chính xác đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên, liên tục. Hơn thế nữa, với thực trạng đô thị hoá như của Đà Nẵng, các dữ liệu phải đo vẽ, cập nhật thường xuyên mới có thể cung cấp đầy đủ, chính xác.

Năm 2014, Sở TNMT cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu đó. Tuy vậy, về mặt chuyên môn, Sở TNMT quan tâm đến việc quản lý chủ yếu thông tin về không gian như tọa độ, đo vẽ, giả lập để thu thập dữ liệu về không gian. Tuy nhiên dữ liệu về thuộc tính như tên chủ hộ hoặc các thông tin về loại đất, quá trình chuyển nhượng như thế nào thì chưa được xem là dữ liệu và ít được quan tâm. Nhưng đối với người dân, những thông tin đó rất đáng quan tâm.

Ví dụ, hệ thống quản lý đất đai của Ấn Độ không quan tâm dữ liệu không gian, vì cho rằng dữ liệu này do người dân quản lý. Thay vào đó, họ quản lý thông tin về diện tích, thuộc sở hữu của ai, quá trình pháp lý của mảnh đất như thế nào.

Có thể xem việc quản lý đất đai như quản lý cước điện thoại, lúc cần chỉ cần gõ địa chỉ thì toàn bộ dữ liệu sẽ hiện ra, chỉ cần mờ hóa các thông tin cá nhân riêng tư, nhạy cảm nhưng các thông tin cơ bản như diện tích, chuyển nhượng bao nhiêu lần.

- Xin cảm ơn ông!

Hiện tại, Đà Nẵng đã có cơ sở dữ liệu về đất đai, người dân có thể tra cứu thông tin giá đất qua mạng xã hội Zalo hoặc tin nhắn SMS. Để sử dụng các tiện ích miễn phí, người dùng kết nối với tài khoản Zalo của Tổng đài 1022 Đà Nẵng thông qua QR code hoặc tìm kiếm Official Account với từ khóa “Tổng đài 1022 Đà Nẵng” và nhấn nút “Quan tâm”. Đối với người dân không dùng ứng dụng Zalo có thể thực hiện tra cứu trên điện thoại bằng cách soạn tin nhắn tra cứu theo cú pháp đã định sẵn, gửi đến 8188 (1.500đ/SMS) để nhận thông tin trả lời tự động từ Tổng đài.