Facebook bị so sánh với Google trong phản ứng với luật truyền thông Australia. (Ảnh: Getty Images) |
Trả lời CNBC, ông Fryndenberg cho biết quá trình đàm phán với Facebook về luật truyền thông mới “đặc biệt kéo dài và khó khăn” song cuối cùng cả hai bên đã vượt qua những khác biệt của riêng mình.
Tuần trước, Quốc hội Australia thông qua đạo luật yêu cầu những công ty như Facebook, Google trả tiền nội dung tin tức cho các nhà xuất bản. Trước khi luật được thông qua, Facebook đã chặn tin tức từ Australia trên nền tảng để trả đũa. Chính phủ Australia chỉ trích quyết định của mạng xã hội này là ngạo mạn. Sau đó, công ty Mỹ cũng đảo ngược lệnh cấm.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia, đó là những cuộc đàm phán đầy thách thức. “Rõ ràng với Facebook, chúng tôi thất vọng một cách sâu sắc về hành động xóa tin tức Australia của họ. Song kể từ lúc đó, chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại, cùng nhau khắc phục những khác biệt và đạt được thỏa thuận song phương”.
Kết quả của đàm phán là chính phủ Australia thay đổi một số điều khoản trong đạo luật vào phút chót. Đạo luật có tên chính thức là Đạo luật Thương lượng bắt buộc giữa Nền tảng kỹ thuật số và Báo chí.
Ông Frydenberg cho biết Facebook đang bước vào các cuộc đàm phán thiện chí với doanh nghiệp báo chí trong nước. Ông nhắc tới ý định thư mà Facebook ký với Seven West Media, đơn vị sở hữu mạng truyền hình Seven, để cung cấp tin tức cho mạng xã hội.
Phản ứng của Facebook trước đạo luật truyền thông Australia thường được so sánh với Google. Ban đầu, Google cũng phản đối mạnh mẽ, thậm chí dọa rút dịch vụ tìm kiếm khỏi nước này, song đã nhượng bộ và ký thỏa thuận với một số nhà xuất bản, trong đó có Seven West Media và tập đoàn truyền thông News Corp.
Theo ông Frydenberg, “không nghi ngờ” gì khi các quốc gia khác đang dõi theo quá trình phát triển luật truyền thông mới của Australia. Australia chính là nước đầu tiên chính phủ bổ nhiệm một trọng tài để quyết định mức giá mà các nền tảng số phải trả cho nhà xuất bản một khi hai bên không thể đi tới thống nhất.
Các nước như Pháp đã thực hiện một số biện pháp để buộc những hãng công nghệ trả tiền tin tức, trong khi vài nước như Canada, Anh đang hoàn thiện bộ quy tắc riêng.
Theo Vietnamnet