Facebook xóa tài khoản của quân đội Myanmar sau những cuộc đàn áp người biểu tình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Facebook đã gỡ trang chính của quân đội Myanmar sau khi 2 người bị bắn gục trong lúc biểu tình phản đối cuộc đảo chính diễn ra hồi đầu tháng này.
2 binh sĩ Myanmar đứng gác trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Mandalay ngày 20/2 (Ảnh: RT)
2 binh sĩ Myanmar đứng gác trong cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Mandalay ngày 20/2 (Ảnh: RT)

Nền tảng mạng xã hội này hôm 21/2 tuyên bố rằng họ đã đưa ra hành động đối với trang thông tin của quân đội Myanmar (Tatmadaw True News Information Team) vì liên tục vi phạm các hướng dẫn của Facebook về cấm “kích động bạo lực và gây tổn hại”.

Còn có tên gọi là Tatmadaw, quân đội Myanmar đã bị cáo buộc đàn áp một cách bạo lực những người phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 hòng lật đổ chính phủ dân cử của bà Aung San Suu Kyi. Hôm 20/2, quân đội và cảnh sát nước này được cho là đã bắn 2 người biểu tình trong một cuộc tuần hành ở thành phố lớn thứ hai nước này, Mandalay.

Theo các nhân viên cứu thương, một nạn nhân bị bắn vào đầu và tử vong ngay tức khắc, trong khi một người biểu tình khác bị bắn vào ngực và sau đó qua đời vì vết thương quá nặng.

Phát ngôn viên của Tatmadaw từ chối đưa ra bình luận về lệnh cấm của Facebook.

Vốn nổi tiếng với việc kiểm duyệt thông tin nguy hiểm liên quan tới kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, Facebook cũng luôn quan tâm tới các sự kiện diễn ra ở Myanmar.

Năm 2018, Facebook từng áp lệnh cấm đối với tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hliang, giờ là lãnh đạo tự xưng của Myanmar, cùng với hơn một chục sĩ quan cấp cao và tổ chức, vì vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng này.

Trước kỳ bầu cử ở Myanmar hồi tháng 11 năm ngoái, Facebook cũng công bố rằng họ đã đánh sập 70 tài khoản và trang giả mạo có chủ nhân là các thành viên trong quân độ bị cáo buộc thực hiện cuộc chiến thông tin chống lại bà Suu Kyi và đảng Liên minh Dân chủ vì Quốc gia (NLD) của bà.

Tình trạng đổ máu ở Myanmar mới đây đã bùng nổ sau nhiều tuần xung đột giữa quân đội và những người ủng hộ bà Suu Kyi. Tatmadaw tuyên bố rằng NLD giành chiến thắng bầu cử là do gian lận diện rộng, nhưng ủy ban bầu cử nước này lại bác bỏ cáo buộc đó, cho rằng nó không có cơ sở. Cuối cùng, quân đội đã bắt giữ bà Suu Kyi vào ngày 1/2 và tuyên bố tình trạng khẩn cấp.