Hamas là từ viết tắt của Harakat al-Muqawama al-Islamiyya, nghĩa là "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo" – một tổ chức của người Hồi giáo dòng Sunni được thành lập ngày 14/12/1987, chỉ ít ngày sau khi cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel (còn được gọi là Intifada lần thứ nhất) bùng nổ, với mục tiêu dài hạn là thành lập một nhà nước Hồi giáo của người Palestine trên vùng lãnh thổ được hoạch định trước năm 1948.
Hamas là một tổ chức tôn giáo và chính trị có lực lượng vũ trang riêng. "Lữ đoàn Qassam" là phe quân sự chính của tổ chức này. Các khu vực hoạt động chính của Hamas là Palestine (Dải Gaza) và các khu vực khác ở Trung Đông như Qatar. Hamas bị Israel, Mỹ, Canada, Liên minh Châu Âu, Jordan, Ai Cập và Nhật Bản coi là một tổ chức khủng bố. Một số quốc gia như Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và hầu hết các nước Ả Rập lại công nhận nó là một tổ chức kháng chiến.
Những người Palestine ủng hộ Hamas (Ảnh: Wiki). |
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nòng cốt là Phong trào Giải phóng Dân tọc Palestine (Fatah) chủ trương công nhận nhà nước Israel trên lãnh thổ được người Anh chia vào năm 1948. Họ chỉ đấu tranh để Israel rút quân khỏi lãnh thổ chiếm đóng vào năm 1967. Vì lập trường ôn hoà của PLO nên 2 bên đã có những đàm phán hoà bình và Israel cũng công nhận PLO và chấp nhận rút quân.
Còn Hamas chủ trương cực đoan, cứng rắn, không công nhận nhà nước Israel và chiến đấu để khôi phục nhà nước Palestine với lãnh thổ bao trùm cả Israel hiện tại như thời người Anh uỷ trị.
Hamas trở nên nổi tiếng sau Intifada lần đầu khi nhóm vũ trang này phản đối Hiệp định hòa bình Oslo được ký năm 1993 giữa Thủ tướng Isarel Rabin và nhà lãnh đạo Yasser Arafat của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đại diện cho hầu hết người Palestine. Cách phản đối thỏa thuận Oslo mà Hamas thực hiện là tiến hành các cuộc đánh bom tự sát nhằm vào người Israel.
Các chiến binh Hamas nạp đạn tên lửa kiểu mới M-120 và giàn phóng (Ảnh: 163.com). |
Khẩu hiệu của Hamas là “Thánh Allah là mục tiêu, Đấng tiên tri Muhammad là hình mẫu, Kinh Koran là hiến pháp, Thánh chiến là con đường duy nhất và được chết vì Allah là sự thể hiện lòng trung thành”. Vì những lý do đó, Hamas khước từ mọi giải pháp hòa bình, không công nhận nhà nước Israel. Để thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo, đối với họ, không có con đường nào khác ngoài việc tiến hành cuộc thánh chiến.
Người sáng lập của Hamas, Sheikh Ahmed Yassin, là một người Palestine bản địa. Các nhà lãnh đạo chủ chốt khác cũng đã sinh trưởng ở các khu vực của Palestine và đã chứng kiến cũng như trải nghiệm sự thống trị của Israel trong một thời gian dài. Khi mới thành lập, Hamas là một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập. Năm 1987, nhà sáng lập Sheikh Ahmed Yassin đã quy định và được khẳng định trong “Hiến chương Hamas” năm 1988 rằng mục đích của Hamas là giải phóng đất nước Palestine khỏi sự chiếm đóng của Israel bao gồm lãnh thổ Israel ngày nay, khu vực Bờ Tây sông Jordan và Dải Gaza và thành lập một nhà nước Hồi giáo.
Bản đồ israel và các khu vực do người Palestine kiểm soát hiện nay (kẻ sọc) (Ảnh: britannica). |
Vào tháng 7 năm 2009, lãnh đạo Bộ Chính trị Hamas Khalid Meshaal tuyên bố rằng tổ chức này sẵn sàng hợp tác để giải quyết xung đột Ả Rập - Israel, nhưng phương án giải quyết phải đảm bảo một nhà nước Palestine dựa trên biên giới năm 1967, đảm bảo quyền của người tị nạn Palestine được trở về quê hương của họ, và lấy Đông Jerusalem làm thủ đô của quốc gia mới. Tuy nhiên, vào năm 2014, Phó Chủ tịch Bộ Chính trị Hamas, Moussa Mohamed Abu Marzuk lại tuyên bố rằng "Hamas sẽ không công nhận Israel ... đây là lằn ranh đỏ không thể vượt qua".
Trong tiếng Ả Rập, Hamas còn có nghĩa là "nhiệt huyết", "lửa". Các hành động của Hamas không đi ngược lại tiêu chí này. Đánh bom liều chết là một yếu tố mà Hamas coi là vũ khí trong cuộc chiến chống lại Israel. Lữ đoàn Qassam trực thuộc Hamas đã nhiều lần tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các mục tiêu quân sự của Israel. Phương thức tấn công nhằm vào thường dân thường là các cuộc tập kích bằng tên lửa sang Israel, và từ năm 1993 đến năm 2006 đã có nhiều vụ tấn công kiểu tự sát. Các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự bao gồm bắn vũ khí cỡ nhỏ, tên lửa và bằng súng cối.
Tháng 3 và 4/2004, nhà lãnh đạo tinh thần của Hamas là Sheikh Ahmed Yassin và người kế nhiệm Abdul Aziz al-Rantissi đã bị ám sát trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel ở Gaza.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton và các ông Rabin (trái), Arafat (phải) sau khi ký Hiệp ước hòa bình Oslo năm 1993 (Ảnh: britannica). |
Sau khi nhà lãnh đạo Fatah và PLO Yasser Arafat qua đời vào tháng 11/2004, Mahmoud Abbas, người luôn xem các vụ tấn công bằng tên lửa của Hamas là phản tác dụng, lên nắm quyền ở Palestine.
Trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp Palestine vào ngày 25/1/2006, Hamas đã bất ngờ đánh bại Fatah, giành chiến thắng áp đảo và chống lại mọi nỗ lực ký kết các thỏa thuận trước đó của Palestine với Israel, cũng như công nhận sự tồn tại hợp pháp của nhà nước Israel. Hai bên đã thành lập một chính phủ đoàn kết sau cuộc bầu cử; ông Ismail Haniya một trong những nhà lãnh đạo của Hamas trở thành Thủ tướng của Palestine trong khi Tổng thống là nhà lãnh đạo Fatah Abbas. Tuy nhiên, chính quyền này sớm sụp đổ và đụng độ giữa hai bên nổ ra tại Dải Gaza năm 2007 với phần thắng thuộc về Hamas. Sau đó, Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi Fatah rút về giữ Bờ Tây sông Jordan và lãnh đạo chính quyền Palestine đóng tại đây.
Vào ngày 30/1/2006, sau cuộc bầu cử, đại diện của bốn bên liên quan đến vấn đề Trung Đông (Liên Hợp Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga) đã tổ chức cuộc hội đàm tại London, kêu gọi chính phủ Palestine cam kết từ bỏ vũ lực, công nhận Israel và chấp nhận các thỏa thuận liên quan đã đạt được trước đó, bao gồm cả kế hoạch "lộ trình" hòa bình Trung Đông và việc viện trợ cho chính phủ mới của Palestine sẽ do các nước tài trợ quyết định dựa trên việc họ có tuân thủ các cam kết này hay không.
Ông Ismail Abdel Salam Ahmed Haniyeh, người lãnh đạo hiện nay của Hamas (Ảnh: Wiki). |
Năm 2017, Hamas đưa ra một tài liệu về chính sách mới, mềm hóa một số lập trường trước đó và sử dụng ngôn từ chừng mực hơn. Họ chính thức chấp thuận việc thành lập một nhà nước Palestine lâm thời ở Gaza, Bờ Tây và Đông Jerusalem, dù không được Israel công nhận. Tài liệu cũng nhấn mạnh cuộc đấu tranh của Hamas không nhắm vào người Do Thái, mà là những kẻ xâm lược theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái.
Tuy nhiên, Israel tuyên bố phong trào Hamas đang cố "đánh lừa thế giới". Chính phủ mới do Hamas lãnh đạo đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt cứng rắn của Israel và đồng minh phương Tây.
Người ta biết đến Hamas nhiều hơn với vai trò là một phong trào quân sự. Nhưng thực tế, các hoạt động của họ trong lĩnh vực xã hội cũng khá rộng rãi. Trong khi các phong trào Hồi giáo vũ trang khác như Jihad, lữ đoàn tử vì đạo Al-Aqsa ít phát triển, thì Hamas ngày càng lớn mạnh và giành được sự ủng hộ nhờ các chương trình phúc lợi xã hội lớn. Hamas mở các trường học cho trẻ em Hồi giáo, mở bệnh viện và chăm lo cuộc sống cho gia đình các phần tử vũ trang nhờ vào tiền quyên góp của các nhà tài trợ người Palestine lưu vong. Nguồn tài chính được ước đoán hàng tỷ đô la Mỹ nhờ hoạt động quyên góp này đã trang trải cho các hoạt động xã hội và qua đó, Hamas giành được uy tín lớn trong người dân Palestine.
Hamas phóng tên lửa từ Dái Gaza (phải) và hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn (trái), Ảnh: AFP. |
Ban lãnh đạo Hamas hiện nay gồm, Chủ tịch Bộ Chính trị Ismail Abdel Salam Ahmed Haniyeh, giữ chức từ ngày 6/5/2017. Ông sinh năm 1962, từng là Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine từ 21/2/2006; sau bị Tổng thống Abbas bãi chức ngày 14/6/2007). Phó Chủ tịch Bộ Chính trị: Mousa Abu Marzouq.
Trụ sở chính (Tổng bộ) của Hamas hiện đặt ở Dải Gaza; trụ sở hải ngoại ở Doha – thủ đô Qatar (Ismail Abdel Salam Ahmed Haniyeh, Chủ tịch Bộ Chính trị sống ở đây). Hiện Hamas chiếm giữ 74 trong số 132 ghế tại Hội đồng Lập pháp Palestine (Quốc hội) sau cuộc bầu cử năm 2006 (Fatah chỉ được 45 ghế).
Cuộc xung đột lần này khởi nguồn từ vụ ngày 7/5 cảnh sát Israel xông vào Nhà thờ Hồi giáo Al Aqsa, ở Thành cổ Jerusalem đụng độ trực tiếp và bắn trái nổ gây choáng về phía những người Palestine vào cầu nguyện bên trong thánh địa của họ; người Palestine ném gạch đá để đáp trả.
Các cuộc đụng độ tại đây và tại nhiều khu vực khác của Thành Cổ khi người Ả Rập phản đối chính quyền Israel đuổi 7 gia đình Palestine ra khỏi khu Sheik Jarrah ở Đông Jerusalem tái diễn vào ngày 10/5 khiến hàng trăm người Palestine và một số cảnh sát Israel bị thương. Sau vụ việc, các chiến binh Palestine nhóm Hamas ở Dải Gaza ngày 10/5 đã tiến hành các vụ tiến công bằng tên lửa sang đất Israel và quân đội Israel trả đũa dữ dội bằng các vụ oanh tạc của không quân và pháo binh.
Một người phụ nữ Palestine khóc bên ngôi nhà của bà bị trúng bom của Israel (Ảnh: Reuters). |
Sáng 18/5, cơ quan Y tế Gaza thông báo trong 8 ngày xung đột vừa qua, ít nhất 204 người Palestine đã bị thiệt mạng, trong đó có 59 trẻ em, 35 phụ nữ, hơn 1.300 người bị thương. Tại Israel, có 10 người chết, trong đó có một bé trai 5 tuổi và một người lính. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết, 38.000 người ở Dải Gaza đã phải di tản do các cuộc không kích của Israel, và hơn 2.500 người đã bị bom đạn phá mất nhà cửa, không còn nơi dung thân, 41 trường học địa phương đã bị hư hại. Nhiều người đã phải vào tá túc tại 48 trường học thuộc Cơ quan Cứu trợ và tỵ nạn của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) được lập ra ở Dải Gaza.