Xung đột Palestine – Israel đang phát triển theo hướng Tel Aviv không muốn thấy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã bước sang ngày thứ tám, tiếp tục gay gắt và có những dấu hiệu cho thấy có nguy cơ phát triển theo chiều hướng phức tạp mà phía Israel không muốn thấy.
Tên lửa của Hamas bắn sang Israel (phải) và hệ thống Vòm Sắt tiến hành đánh chặn (trái ảnh) Ảnh: AFP.
Tên lửa của Hamas bắn sang Israel (phải) và hệ thống Vòm Sắt tiến hành đánh chặn (trái ảnh) Ảnh: AFP.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 17/5, Không quân Israel đã ném bom dữ dội vào Dải Gaza vào đầu giờ sáng ngày thứ Hai (17/5). Cuộc không kích kéo dài suốt từ bắc xuống nam trong khoảng 10 phút. Đây là cuộc không kích lớn nhất trong cuộc xung đột cho đến nay. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, xác nhận các máy bay chiến đấu đang tấn công các mục tiêu ở Dải Gaza.

Cuộc không kích vào Dải Gaza trước đó diễn ra vào nửa đêm ngày Chủ nhật (16/5). Cơ quan y tế Palestine cho biết máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công một tòa nhà dân cư trong khu đô thị của Dải Gaza, phá hủy hai tòa nhà liền kề và con phố lân cận. Vụ không kích này đã làm chết ít nhất 42 người Palestine, trong đó có 10 trẻ em. Phía Israel khẳng định cuộc không kích nhằm vào đường hầm dưới lòng đất của tổ chức vũ trang Hamas, đồng thời nói rằng nhà chức trách Israel không cố ý gây thương vong cho dân thường.

Máy bay Israel đánh bom Dải Gaza rạng sáng 17/5 (Ảnh: Reuters).

Máy bay Israel đánh bom Dải Gaza rạng sáng 17/5 (Ảnh: Reuters).

Các hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza cho đến sáng 17/5 đã khiến ít nhất 192 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em và 33 phụ nữ; 1.230 người Palestine bị thương. Về phía Israel, 10 người bị thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng tên lửa, trong đó có hai trẻ em. Thủ tướng Israel Netanyahu đã có bài phát biểu trên truyền hình, nhấn mạnh “quân đội Israel sẽ tiếp tục tấn công bằng tất cả sức mạnh, Hamas phải trả giá đắt và các hoạt động quân sự của Israel sẽ còn kéo dài”.

Lễ cầu nguyện trong lễ tang 16 người dân Gaza bị chết trong vụ không kích của Israel đêm 16/5 (Ảnh: AP).

Lễ cầu nguyện trong lễ tang 16 người dân Gaza bị chết trong vụ không kích của Israel đêm 16/5 (Ảnh: AP).

Mặc dù cả hai bên trong cuộc xung đột hiện đều có ý định ngừng bắn, nhưng mỗi bên đều đưa ra những điều kiện tiên quyết. Nhóm vũ trang Hamas bày tỏ sẵn sàng ngừng bắn, nhưng Israel phải dừng ngay các hành vi xâm hại người Palestine và rút quân; phía Israel tuyên bố, nếu Hamas chủ động ngừng bắn thì Israel sẵn sàng hưởng ứng. Nhưng tình hình thực tế vẫn là "bế tắc". Tính đến sáng ngày 17/5, lực lượng vũ trang Hamas ở Dải Gaza vẫn chưa ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu của Israel, cũng như lực lượng Israel vẫn tiếp ném bom và pháo kích dữ dội vào các thành phố lớn ở Dải Gaza. Sáng sớm ngày 16/5, Thủ tướng Israel Netanyahu đã đăng một bản tweet với biểu tượng lá cờ của 15 quốc gia ở phía trên và dòng chữ bên dưới cảm ơn họ đã đứng về phía Israel. Quan trọng hơn, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố: Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Netanyahu, nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ của ông đối với việc Israel tiến hành quyền tự vệ khi nước này bị các tên lửa của Hamas và các tổ chức khủng bố khác ở Gaza tập kích và lên án các cuộc tấn công bừa bãi chống lại Israel này.

Một người Palestine khóc bên ngôi nhà của mình đã biến thành đống gạch vụn sau vụ không kích của Israel đêm 16/5 (Ảnh: AP).

Một người Palestine khóc bên ngôi nhà của mình đã biến thành đống gạch vụn sau vụ không kích của Israel đêm 16/5 (Ảnh: AP).

Điều kỳ lạ là Mỹ đã không hề nhắc đến những thiệt hại nghiêm trọng của dân thường Palestine ở Dải Gaza do các cuộc không kích của Israel gây ra. Kể từ ngày 10/5 đến nay, các cuộc không kích bừa bãi và pháo kích trên bộ của Israel đã khiến ít nhất 192 người Palestine thiệt mạng, trong đó có 58 trẻ em và 33 phụ nữ; 1.230 người khác bị thương; một số lượng lớn các tòa nhà và nhà ở của dân chúng đã bị phá hủy. Theo thông tin được quân đội Israel công bố, tính đến ngày 16/5, 33 lãnh đạo cấp cao của lực lượng vũ trang Hamas đã thiệt mạng trong các vụ đánh điểm diệt mục tiêu của họ. Để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình, Không quân Israel đã liên tiếp phá hủy Tòa nhà trụ sở Hải quân Hamas, Tòa nhà Ngân hàng Hamas, Tòa nhà Trung tâm Báo chí ở Gaza và các "tài sản chiến lược quan trọng khác của Hamas". Phía Israel cũng thừa nhận, các nhân viên vũ trang ở Dải Gaza tính đến ngày 16/5 đã bắn tổng cộng 2.968 quả tên lửa vào Israel, khiến 10 người chết và hàng trăm người bị thương. Mặc dù Israel có lợi thế quân sự tuyệt đối để đánh chiếm Dải Gaza và loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa, nhưng cũng rất rõ ràng rằng việc chiếm đóng Gaza sẽ gây ra những tranh cãi quốc tế rất lớn và có thể được không bằng mất, lợi bất cập hại.

Một nhà dân của Israel ở thành phố miền Trung bị trúng tên lửa của Hamas (Ảnh: Tân Hoa xã).

Một nhà dân của Israel ở thành phố miền Trung bị trúng tên lửa của Hamas (Ảnh: Tân Hoa xã).

Kể từ khi cuộc xung đột Palestine-Israel tái bùng nổ, làn sóng chống Israel của thế giới Ả Rập không ngừng dâng cao và những thành tựu ngoại giao ban đầu của Israel có nguy cơ tan thành mây khói. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, đã nhiều lần đưa ra lời đe dọa chiến tranh đối với Israel, đồng thời công khai kêu gọi “dạy cho Israel một bài học nghiêm khắc”. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiến hành các cuộc đối thoại chiến lược có mục tiêu, ông Putin cũng đã tuyên bố mạnh mẽ, nêu rõ “cuộc xung đột Palestine - Israel gây nguy hiểm trực tiếp cho an ninh quốc gia của Nga”. Đối với Israel, sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh phương Tây là quan trọng, nhưng kể từ tháng 9/2015, sự hợp tác linh hoạt của ba lực lượng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong vấn đề Syria đã ảnh hưởng lớn đến cấu trúc khu vực, điều này cũng khiến ông Netanyahu phải suy nghĩ thận trọng. Theo Cơ quan Tình báo Quân đội Israel, cuộc phong tỏa đường biển không cắt đứt được hoàn toàn sự viện trợ vũ khí của bên ngoài cho Hamas. Các vật liệu được sử dụng để sản xuất và cải tiến vũ khí đã liên tục được đưa vào khu vực Gaza.

Tên lửa Qassdam-A thế hệ mới của Hamas có tầm phóng xa, uy lực lớn (Ảnh: Sohu).

Tên lửa Qassdam-A thế hệ mới của Hamas có tầm phóng xa, uy lực lớn (Ảnh: Sohu).

Sau một tuần xung đột cường độ cao, phía Israel đã phát hiện ra hai tín hiệu rất nguy hiểm. Điều này có nghĩa là cuộc chiến tranh Palestine - Israel đang phát triển theo hướng mà Israel lo ngại.

Tín hiệu nguy hiểm đầu tiên là công nghệ chế tạo vũ khí của Hamas đã tiến bộ nhảy vọt. Các tên lửa tầm xa với tầm bắn 250 km thực chất là loại tên lửa chiến thuật. Tầm bắn và sức công phá của các loại tên lửa không điều khiển truyền thống Hamas được trang bị cũng đã được cải thiện đáng kể về tầm bắn và sức công phá, số lượng tên lửa nhiều một cách đáng kinh ngạc và Hamas đã thể hiện khả năng tấn công bão hòa với cường độ mạnh chưa từng có. Quân đội Israel buộc phải thừa nhận rằng khả năng đánh chặn của hệ thống phòng không Iron Dome (Vòm Sắt) của họ không đủ để hình thành khả năng bảo vệ hiệu quả. Lực lượng Phòng vệ Israel thông báo, kể từ khi xung đột Palestine-Israel gia tăng, tính đến tối ngày 16/5, các nhóm vũ trang Palestine Hamas và Jihad đã phóng tổng cộng 2.968 quả tên lửa sang Israel, có 439 quả (15%) bị trục trặc rơi trên đất Gaza, hơn 1.000 quả trong số đó đã bị đánh chặn bởi Hệ thống Vòm Sắt, số còn lại rơi xuống các khu dân cư Israel. Nói cách khác, tỷ lệ đánh chặn của Vòm Sắt trước tên lửa Hamas thậm chí không đạt được 50%. Về chi phí đối kháng, Hamas chỉ cần 800 USD để chế tạo một tên lửa, còn mỗi tên lửa đánh chặn của hệ thống Vòm Sắt của Israel tiêu tốn 35.000 USD, chênh lệch giữa hai bên là 44 lần.

Các chiến binh Hamas và loại tên lửa tự chế kiểu truyền thống (Ảnh: Sohu).

Các chiến binh Hamas và loại tên lửa tự chế kiểu truyền thống (Ảnh: Sohu).

Tín hiệu nguy hiểm thứ hai là huyền thoại của lực lượng thiết giáp mặt đất của Israel đã hoàn toàn bị phá tan. Hamas đã ra tay! Abu Ubeda, người phát ngôn của Phong trào Hồi giáo Hamas, cảnh báo ông Netanyahu "hãy huy động tất cả các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển của các người. Chúng tôi đã chuẩn bị một số kiểu chết cho các người và các người sẽ tự nguyền rủa chính mình". Vào ngày 15/5, Hamas đã “dạy cho Lục quân Israel một bài học sâu sắc”. Đoạn video do lực lượng vũ trang Hamas công bố cho thấy một xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava MK-4 của quân đội Israel đang cơ động đã bị tiêu diệt ở khu vực biên giới gần Gaza. Lực lượng vũ trang Hamas đã sử dụng tên lửa chống tăng Dehlaviyeh để giành được thành quả này. Được biết, tên lửa chống tăng Dehlaviyeh được Iran làm nhái từ mẫu tên lửa chống tăng "Cornet" của Nga. Truyền thông Trung Đông bình luận rằng nỗi sợ hãi của Israel sẽ tiếp tục lan rộng vì họ không biết Hamas đã cất giữ bao nhiêu tên lửa và tên lửa chống tăng trong hệ thống đường hầm bí ẩn rộng khắp trên khắp Dải Gaza.

Bản tweet của ông Netanyahu cám ơn các nước đã ủng hộ Israel (Ảnh (163.com).

Bản tweet của ông Netanyahu cám ơn các nước đã ủng hộ Israel (Ảnh (163.com).

Được biết, ngày 16/5. Hội động Bảo an Liên Hợp Quốc đã họp hội nghị trực tuyến khẩn cấp lần thứ 3 trong vòng một tuần về cuộc xung đột Israel – Palestine với sự tham gia của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Điều phối viên Đặc biệt Liên Hợp Quốc ở Trung Đông Tor Wennesland và đại biểu 21 nước, khu vực nhưng vẫn không ra được Tuyên bố chung do Mỹ bỏ phiếu phủ quyết.

Với thất bại của nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm thúc đẩy hai bên ngừng bắn chấm dứt bạo lực, đàm phán theo phương án “hai quốc gia”, viễn cảnh của cuộc xung đột Israel – Palestine càng trở nên phức tạp, khó lường.

Xe tăng Merkeva - 4 của Israel bị tên lửa của Hamas bắn cháy hôm 15/5 (Ảnh: 163.com).

Xe tăng Merkeva - 4 của Israel bị tên lửa của Hamas bắn cháy hôm 15/5 (Ảnh: 163.com).