Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm. Kết quả sau 20 năm được bảo hộ với nhiều ưu đãi về thuế nhập khẩu linh kiện nhưng đến nay những chiếc xe hơi lắp ráp tại Việt Nam vẫn có giá rất cao so với các nước trong khu vực ASEAN.
Giá thành xe rắp ráp trong nước đắt hơn 20% so với các nước
Phát biểu tại Hội thảo “Tiềm năng, nhu cầu phát triển ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam và cơ hội cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ” diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm lần thứ 16 về các phương tiện giao thông và công nghiệp hỗ trợ 2019 mới đây, bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết: “Chi phí sản xuất linh kiện ôtô của Việt Nam hiện nay cao hơn khoảng 20% so với các nước khác trong khu vực ASEAN. Công nghệ sản xuất linh kiện ôtô dù có nhiều cải thiện về chất lượng nhưng sản lượng rất thấp khiến các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam phải nhập khẩu thêm linh kiện ở các nước về lắp ráp”.
Theo bà Bình, các doanh nghiệp Việt Nam không thể sánh với Thái Lan, Indonesia… trong việc sản xuất linh kiện ô tô bởi họ có kinh nghiệm hơn, họ làm trước chúng ta rất lâu, họ có sản lượng thị trường tốt.
Linh kiện phụ tùng của nước ta khi tham gia các hội chợ nước ngoài nhận được khá nhiều đơn hàng từ các nước nhưng chúng ta lại gặp khó khăn cạnh tranh khi giá linh kiện ở nước ta vẫn cao. Ví dụ giá linh kiện ô tô nước ta cao hơn Trung Quốc khoảng 20% đối với những linh kiện bình thường.
Bà Bình nói: "Một trong nhiều lý do đẩy giá thành ô tô cao là do khấu hao của chúng ta quá cao. Muốn cạnh tranh, phải chọn những lĩnh vực linh kiện sản lượng ít hơn có thể kết hợp giữa làm tay và máy.
Theo bà Bình, nhu cầu về linh kiện phụ tùng ô tô của thị trường thế giới rất cao nhưng việc làm thế nào để giá linh kiện phù hợp với khách hàng đưa ra thì vẫn cần thời gian.
"Có thể linh kiện chúng ta chất lượng bảo đảm tính an toàn nhưng khi nói đến giá thì lại khó có thể cạnh tranh với Trung Quốc, các nước Asean thì chúng tôi chưa làm được. Vướng mắc vẫn nằm ở khâu giá", bà nói.
Luẩn quẩn bài toán dung lượng thị trường ô tô
Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô ở nước ta còn thấp. Cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô... Tỷ lệ này là quá thấp so với số doanh nghiệp ở Malaysia và 2.500 doanh nghiệp ở Thái Lan về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.
Nước ta số lượng doanh nghiệp sản xuất linh kiện ô tô ít , sản lượng lại thấp
|
“Theo số liệu khảo sát năm ngoái với một số nhà lắp ráp ô tô thì linh kiện nhập khẩu chiếm 73%, sản xuất trong nhà máy 17% và mua ngoài chỉ 9,5% những linh kiện liên quan. 9,5 % mua ngoài là bao gồm phụ tùng của doanh nghiệp Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, và doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm rất nhỏ trong đó. Ví dụ như Toyota năm nay chỉ có 4 nhà cung cấp trong nước là Việt Nam trong số 20 nhà cung cấp trong nước của hãng”, bà Bình cho biết.
Bên cạnh đó, sản lượng xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vẫn thấp cũng là một lý do khiến công nghiệp hỗ trợ cho ô tô khó phát triển.
Năm 2018 sản lượng xe trên toàn thị trường là 288.000 xe, không đạt được mức kỳ vọng. Theo kỳ vọng mà Chính phủ đặt ra, sản lượng ô tô phải đạt 50.000 xe/năm cho một dòng xe, mẫu xe thì mẫu xe mới có cơ hội vươn ra thị trường lớn...
Vị đại diện cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ than thở: "Sản lượng xe ô tô thấp khiến cơ hội cho chúng tôi làm linh kiện phụ tùng cũng rất thấp. Mọi người hình dùng 288.000 xe rải ra hàng chục các loại xe thì số lượng linh kiện phụ tùng cần thiết để sản xuất ra một chiếc xe tiêu thụ rất ít. Trong khi đó sản xuất công nghiệp hỗ trợ là sản xuất hàng loạt, liên tục nên không thể nào phát triển được khi sản lượng ô tô trong nước quá thấp như vậy”.
Theo bà Bình, sản lượng thấp nên nếu Việt Nam có nội địa hóa các linh kiện thì giá thành cũng sẽ không rẻ hơn so với nhập khẩu linh kiện. Kết quả là, sản xuất xe trong nước sẽ có giá thành cao, bởi vì các doanh nghiệp phải dựa vào linh kiện nhập khẩu từ các nước, phải trả chi phí vận chuyển và thuế nhập khẩu cho các linh kiện nhập khẩu này
Trên thực tế, vì giá thành linh kiện lắp ráp phụ tùng trong nước quá cao nên nhiều dòng xe trong nước chuyển sang nhập khẩu. Honda chỉ còn giữ mẫu xe City là sản xuất tại Việt Nam, Mazda 2 của Thaco cũng đã chuyển sang nhập từ Indonesia và gần đây nhất, Toyota cũng đã chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu đối với mẫu xe hot Camry.
Theo VietnamNet