Gia tăng xung đột giữa quân đội Mỹ, lực lượng thánh chiến với các lực lượng quân Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 25/8, quân đội Syria bẻ gãy cuộc tấn công của nhóm Hồi giáo cực đoan do Mỹ hậu thuẫn gần thị trấn al-Tanf, lực lượng quân tình nguyện người Shia tấn công căn cứ quân sự Mỹ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Xe tăng quân đội Syria pháo kích. Ảnh Al-Masdar News
Xe tăng quân đội Syria pháo kích. Ảnh Al-Masdar News

Quân đội Syria bẻ gãy một cuộc đột kích của nhóm Lực lượng Biệt kích Cách mạng (MaT) gần căn cứ Liên quân do Mỹ đứng đầu chiếm đóng trong khu vực thị trấn al-Tanf vùng đông nam Syria.

Ngày 25/8, Oleg Yegorov, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải các bên xung đột Syria của Nga cho biết:

“Ngày 25/8/2022, lúc 00:10, trên vùng lân cận khu dân cư al – Ulayyaniyah, cách thành phố Palmyra66 km về phía nam, các tay súng của nhóm vũ trang bất hợp pháp MaT trên hai xe bán tải với súng máy phòng không cỡ nòng lớn từ hướng thị trấn al -Tanf, khu vực do liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu kiểm soát lên lãnh thổ Syria đột kích vào chiến tuyến phòng ngự của quân đội Syria. Giao chiến bùng phát ác liệt giữa các tay súng MaT và một đơn vị lực lượng vũ trang Syria, ba tay súng MaT thiệt mạng. 3 quân nhân Syria bị thương nghiêm trọng”.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu duy trì một lực lượng đồn trú khá lớn ở al-Tanf. MaT là nhóm Hồi giáo cực đoan thánh chiến chính, do liên quân trong khu vực chiến lược tổ chức, cung cấp vũ khí trang bị và huấn luyện chiến đấu.

Quan chức quân sự Nga nhận định, cuộc đột kích cho thấy, liên quân do Mỹ dẫn đầu không thiết lập quyền kiểm soát đối với nhóm MaT cũng như các nhóm vũ trang bất hợp pháp khác và ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố từ phía thị trấn at-Tanf.

Liên quân do Mỹ dẫn đầu, dưới chiêu bài chống khủng bố duy trì một khu vực cấm bay dài 55 km xung quanh căn cứ quân sự ở al-Tanf, duy trì khoảng 200 quân nhân và 300 tay súng vũ trang người Syria trong nhóm MaT. Lực lượng này chặn con đường cao tốc chiến lược nối thủ đô Damascus của Syria với thủ đô Baghdad của Iraq.

Nhóm thánh chiến MaT do Mỹ hậu thuẫn chuẩn bị một hoạt động quân sự từ căn cứ al-Tanf trên vùng sa mạc Syria. Ảnh Al-Masdar News

Nhóm thánh chiến MaT do Mỹ hậu thuẫn chuẩn bị một hoạt động quân sự từ căn cứ al-Tanf trên vùng sa mạc Syria. Ảnh Al-Masdar News

Cho đến lúc này, lực lượng Liên quân do Mỹ dẫn đầu ở al-Tanf chưa tiến hành bất cứ một chiến dịch chống khủng bố nào trên vùng biên giới Syria – Iraq, ngược lại khu vực cấm bay là địa bàn ẩn nấp và cơ động di chuyển của các nhóm vũ trang bất hợp pháp, bao gồm cả IS từ Iraq thâm nhập vào vùng sa mạc Syria. MaT cũng bị cáo buộc cung cấp vũ khí, trang bị và hậu cần cho nhóm khủng bố ở sa mạc miền Trung Syria.

Cuối ngày 25/8, một loạt vụ nổ liên tiếp diễn ra trong địa phận căn cứ Làng Xanh (Green Village) của liên quân do Mỹ đứng đầu ở tỉnh Deir Ezzor trên miền đông bắc Syria.

Căn cứ quân sự này nằm trong khu mỏ dầu al-Omar lớn nhất Syria trên vùng nông thôn Đông Nam Deir Ezzor. Địa bàn này là điểm xung đột gay gắt diễn ra giữa lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu và các nhóm quân tình nguyện người Shia ở Syria và Iraq.

Một số nguồn tin Syria cho biết, các lực lượng dân quân người Shiite, được cho là do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hậu thuẫn tấn công căn cứ này bằng một số UAV kamikaze. Những nguồn tin Syria không thông báo về thương vong nhân sự hay tổn thất vật chất.

Những thông báo trên mạng xã hội Twiter cho biết, 4 quả rocket phóng vào Làng Xanh (Green Village) và mỏ dầu Conoco, căn cứ của liên minh quân do Mỹ dẫn đầu. Đáp trả, quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích ở Dier EzZor.

Căn cứ quân sự Làng Xanh của quân đội Mỹ ở Deir Ezzor. Ảnh Al-Masdar News.

Căn cứ quân sự Làng Xanh của quân đội Mỹ ở Deir Ezzor. Ảnh Al-Masdar News.

Mỏ dầu Conoco, nơi quân đội Mỹ đang chiếm giữ trong khu mỏ dầu lớn nhất Syria al-Omar. Ảnh al-Masdar News

Mỏ dầu Conoco, nơi quân đội Mỹ đang chiếm giữ trong khu mỏ dầu lớn nhất Syria al-Omar. Ảnh al-Masdar News

Quân đội Mỹ đã sử dụng máy bay Gunship AC-130J và trực thăng tấn công AH-64E Guardian bắn phá một số vị trí của lực lượng Kataibl Hezbollah, bị cáo buộc đã thực hiện vụ tấn công này.

Sau cuộc tấn công vào Làng Xanh và mỏ dầu Conoco, hàng loạt tên lửa tiếp tục phóng vào một căn cứ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chủ lực là dân quân người Kurd do Mỹ hậu thuẫn gần thị trấn Hajin, trên vùng nông thôn phía đông nam Deir Ezzor. Truyền thông người Kurd cáo buộc, các đơn vị quân tình nguyện người Shia do IRGC hậu thuẫn đã thực hiện cuộc tấn công này.

Những cuộc tấn công vào căn cứ Làng Xanh ((Green Village) và căn cứ Hajin được cho là đòn đáp trả những cuộc tấn công gần đây của quân đội Mỹ vào các lực lượng dân quân người Shia ở Deir Ezzor, hoặc các cuộc tấn công của Israel vào các quận Tartus và Hama phía tây Syria trước đó.

Xung đột bắt đầu gia tăng giữa quân đội Mỹ và các lực lượng dân quân do Mỹ hậu thuẫn với các nhóm quân tình nguyện người Shia và quân đội Syria. Quân đội Mỹ có thể sử dụng những lý do này để tiến hành các cuộc không kích dữ dội hơn vào các nhóm quân tình nguyện và cả quân đội Syria nhằm thổi bùng ngọn lửa chiến tranh trên đất nước này một lần nữa.