Giá dầu giảm khiến Việt Nam hụt thu 46.000 tỷ đồng

VietTimes -- Lần đầu tiên sau nhiều năm, lĩnh vực nông nghiệp được coi là điểm tựa của nền kinh tế rơi vào trạng thái suy giảm, khiến GDP quý I chỉ tăng 5,46%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Giá dầu chỉ bằng một nửa so với kế hoạch, khiến ngân sách hụt thu 45-000 đến 46.000 tỷ đồng.
Hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Ảnh: VNA
Hạn hán là một trong những nguyên nhân khiến nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm. Ảnh: VNA

Số liệu nêu trên được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) công bố tại cuộc họp báo về GDP và lao động - việc làm quý I/2016 chiều 25/3. Trong 3 tháng đầu năm, GDP cả nước có dấu hiệu chững lại khi chỉ tăng 5,46%, thấp hơn mức 6,12% cùng kỳ 2015 cũng như con số 5,9% của năm đầu nhiệm kỳ 2011-2015.

Khu vực Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng trưởng âm, giảm 1,23%. Trong đó, ngành nông nghiệp giảm mạnh nhất là 2,69%. Lâm nghiệp và thuỷ sản dù tăng trưởng lần lượt 6,24% và 2,12% nhưng không đủ lực để kéo toàn bộ ngành khỏi suy thoái, do quy mô nông nghiệp vẫn chiếm 70% cơ cấu.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nông nghiệp tăng trưởng âm là do hiện tượng El Nino kéo dài suốt từ cuối năm ngoái đến nay, gây ra tình trạng hạn hán ở tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long… Sản lượng lúa Đồng bằng sông Cửu Long ước giảm khoảng 700.000 tấn so với cùng kỳ. Sản lượng cây trồng vụ Đông ở miền Bắc cũng đạt thấp.

Tuy vậy, trả lời câu hỏi về việc lượng hóa ảnh hưởng trực tiếp của hạn hán và xâm nhập mặn đến tăng trưởng kinh tế quý I và cả năm 2016, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia cho biết đây là một việc khó và cơ quan này hiện chưa thể đưa ra con số chính xác.

Tăng trưởng khu vực nông nghiệp qua các năm


2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015

Tăng trưởng

3,2 3,6 2,9 5,4 2,2 4,2 4,8 2,8 2,47 2,9 2,3

Đơn vị: %

Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6,72%, thấp hơn nhiều con số 8,74% của cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, riêng ngành xây dựng lại tăng trưởng ấn tượng trong 3 tháng đầu năm với mức tăng 9,44% - cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Khí hoá lỏng, sữa bột, thức ăn gia súc, thép, ôtô các loại, thức ăn gia súc… là những ngành tăng trưởng tốt tiếp theo, trong khi sản xuất thuốc lá điếu, vải dệt sợi tổng hợp và điện thoại di động lại suy giảm.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,13% so cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ Quý I/2012. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,43% cùng với ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm...

Cùng với những khó khăn của tình hình kinh tế thế giới, hoạt động xuất - nhập khẩu cũng khá trầm lắng với xu hướng xuất siêu trở lại, trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá giảm mạnh 4,8% so với cùng kỳ, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 5,7%, khu vực kinh tế trong nước giảm 3,5%.

Bên cạnh đó, theo Tổng cục thuế, giá dầu thô thế giới giảm sâu cũng ảnh hưởng đến số thu ngân sách năm nay.

Ông Vũ Hồng Long, vụ trưởng Vụ dự toán, Tổng cục thuế giải thích từ đầu năm đến nay, giá dầu thô giảm mạnh, có thời điểm đã tụt xuống 30 USD/ thùng, chỉ bằng một nửa so với kế hoạch đặt ra.

Chính vì thế, Tổng cục thuế đã xây dựng các phương án giá dầu 60 USD, 55, 50, cả mức 20 USD/ thùng, thậm chí dưới cả mức này để tính toán số thu ngân sách tương ứng với mỗi mức giá dầu. Giá dầu giảm 1 USD thì ngân sách hụt thu khoảng 1.500 tỉ đồng.

Với phương án giá dầu thô 30 USD thì ngân sách hụt thu khoảng 45-46 nghìn tỉ đồng. Để bù đắp hụt thu cho dầu thô, Tổng cục thuế cũng phấn đấu tăng thu thêm 65 nghìn tỉ đồng từ thu nội địa vì từ nay đến cuối năm, số thu tối thiểu phải đạt khoảng 680 nghìn tỉ đồng.

Đánh giá về số thu thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục thuế cho biết đạt khá liên tục trong nhiều năm nay. Như năm 2015, tổng số thu thuế TNCN ước đạt 56.730 tỉ đồng, chiếm 7,7% so với tổng thu nội địa, không kể dầu thô. Còn trong năm nay, dự toán pháp lệnh giao là 63.590 tỉ đồng, chiếm 8,4%.

H.V