Gặp gỡ ICT xuân Giáp Thìn 2024: Làm gì để Việt Nam phát triển công nghiệp bán dẫn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tối 6/3/2024 tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam và 19 hội, hiệp hội và CLB CNTT chuyên ngành đã tổ chức chương trình “Gặp gỡ ICT xuân Giáp Thìn 2024” với chủ đề “Phát triển Kinh tế số, Công nghiệp AI và Bán dẫn”.

Lãnh đạo các hội, hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành chúc rượu đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo các hội, hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành chúc rượu đầu xuân Giáp Thìn 2024

Thay mặt các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành, TS Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam khẳng định, các tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành chính là lực lượng nòng cốt trong công cuộc chuyển đổi số của đất nước và góp phần chủ động tham gia vào Cách mạng Công nghiệp 4.0. Những gì đã đạt được vẫn chưa thể như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, song những kết quả đó cũng đóng vai trò hết sức quan trọng và đã tạo được nền tảng cho những bước đi tiếp theo về Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.

Theo ông, một vấn đề hết sức quan trọng là phải tạo dựng một nền tảng pháp lý một cách đầy đủ để phát triển CNTT. Dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản số. Đặc biệt là dữ liệu càng dùng nhiều thì giá trị lại càng tăng lên, khác với các loại tài nguyên, tài sản hữu hình khác. Chính vì thế, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng trong chuyển đổi số.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này thì chúng ta chưa có luật về dữ liệu. Bộ Công an đã đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông cần báo cáo với Chính phủ và Quốc hội để xây dựng Luật Dữ liệu để bao gồm tất cả các lĩnh vực trong đó có dữ liệu cá nhân. Vì nếu xây dựng riêng Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân thì chắc cũng sẽ phải xây dựng tiếp Luật Bảo vệ Dữ liệu Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Dữ liệu Nhà nước…

Tiếp đó, TS Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT đã đề cập đến cơ hội phát triển công nghiệp bán dẫn khi nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Theo ông mùa xuân 2024 chính là Mùa xuân của Chip AI Việt Nam.

Những năm gần đây, cá nhân ông Bình đã sang Mỹ và gặp gỡ nhiều chuyên gia Việt kiều về lĩnh vực này. Họ đã tham gia đào tạo cho đội ngũ làm CNTT trong nước trong những lần về Việt Nam và cả đào tạo từ xa. Chính nhờ có họ mà Việt Nam đã có khoảng 35 doanh nghiệp có thể tham gia thiết kế chip bán dẫn bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bình cũng đề nghị các đồng nghiệp Việt kiều đặt vấn đề với lãnh đạo của mình nên mở chi nhánh tại Việt Nam để chính mình trở về làm giám đốc chi nhánh. Các kỹ sư Việt kiều có thể khẳng định với lãnh đạo của họ về sự tăng trưởng khi đầu tư tại Việt Nam là rất nhanh, vì Việt Nam có đội ngũ nhân lực trẻ, đam mê công nghệ. Và trong khi chưa về được Việt Nam, họ có thể hợp tác với các chuyên gia và doanh nghiệp trong nước để thành lập doanh nghiệp sản xuất chip.

Còn khó nhất theo ông Trương Gia Bình là làm sao sản xuất được chip sau khi đã thiết kế. Hiện Việt Nam chưa có cơ hội để sản xuất chip thuận lợi. Tập đoàn TSMC của Đài Loan đã có thiện chí dành cho Việt Nam một dây chuyền của mình cho việc này. Tuy nhiên, sản xuất chip rất khác với phần mềm là phải tính được giá thành cụ thể cho một đầu chip và chỉ khi sản xuất hàng loạt với số lượng lớn thì mới có giá thành rẻ. Vấn đề là Việt Nam có thể nhanh chóng có được đội ngũ nhân lực về chip và công nghiệp bán dẫn hay không?

Việt Nam hiện đang có 1 triệu kỹ sư CNTT mà một nửa số đó là làm về phần mềm. Đây chính là một lợi thế vì kỹ sư phần mềm chỉ cần 18 tháng hoặc thậm chí chỉ 3 đến 6 tháng vừa học vừa làm là hoàn toàn có thể chuyển sang thiết kế chip bán dẫn.

Tới dự chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có lời chúc mừng năm mới với đông đảo các đại biểu tham dự. Bộ trưởng khẳng định, CNTT-TT có sứ mạng cao cả để Việt Nam cất cánh và phát triển. Cơ hội lớn nhất với Việt Nam khi thế giới có những thay đổi lớn chính là Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Một trong những cơ hội mà Việt Nam phải tranh thủ chính là ngành công nghiệp bán dẫn. Đây chính là cơ hội để tạo dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà, đưa doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu vào công nghệ toàn cầu.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng Chiến lược Quốc gia về công nghiệp bán dẫn và sẽ trình Thủ tướng để dự kiến ký ban hành vào tháng 11/2024. Tuy nhiên, cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đang quyết tâm để hoàn thành chiến lược này trong thời gian sớm hơn để trình Thủ tướng ban hành. Vì thế, Bộ trưởng mong muốn các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành nhanh chóng tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo chiến lược này nhằm định hình chính xác để Việt Nam sớm trở thành cường quốc về công nghiệp bán dẫn.

Riêng về vấn đề xây dựng pháp luật, Bộ trưởng cho biết là Chính phủ và Quốc hội đã nhất trí giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Luật Dữ liệu bên cạnh Luật Bảo vệ Dữ liệu Cá nhân mà Bộ Công an đang đảm trách. Theo Bộ trưởng, khai thác sử dụng và bảo vệ dữ liệu trong thời đại số hoá và Internet là hết sức quan trọng và việc hoàn thiện pháp luật đi kèm là hết sức quan trọng.

Ông Nguyễn Long – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam bày tỏ mong muốn tất cả các Hội, Hiệp hội và Câu lạc bộ CNTT chuyên ngành cùng nỗ lực phấn đấu cho những mục tiêu chung và riêng đã đặt ra. Ông cũng hy vọng sang năm 2025, tất cả sẽ lại gặp nhau đầu xuân để tổng kết lại những gì đã làm được và đặt ra những mục tiêu tiếp tục phải phấn đấu.