Gần nửa dân số Việt dùng Internet

Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số, đứng thứ 6 ở châu Á về số người sử dụng Internet, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines.
Gần nửa dân số Việt dùng Internet

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa có chuyến thăm tới Việt Nam. Sự thành công của chuyến thăm đã được dư luận phản ánh rõ nét thông qua các thông tin thời sự, các bài phân tích, bình luận của chính giới, các chuyên gia và học giả trong nước và nước ngoài.  

Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí nước ngoài vẫn cố tình đưa thông tin không đúng sự thật về việc Việt Nam "chặn trang mạng xã hội Facebook" trong thời gian Tổng thống Obama thăm Việt Nam. Thông tin có dụng ý xấu này được một số đối tượng phản động, chống đối tung lên trang cá nhân.

Từ nhiều năm qua, mỗi khi đất nước có những sự kiện chính trị hoặc đối ngoại quan trọng, trên một số trang mạng Internet lại xuất hiện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đảng và Nhà nước ta nhằm chống phá chế độ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phủ nhận những thành tựu phát triển của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại... Tuy nhiên, những thông tin thất thiệt đó không được người dân đón nhận vì chúng không phản ánh đúng sự thật và hoàn toàn không được kiểm chứng.

Thực tế không thể phủ nhận là thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi có Internet. Con người, do tiếp xúc và sử dụng Internet, đã có nhiều thay đổi cả về tập quán sinh hoạt, phương thức tư duy cũng như cách thức hành động. Có chăng là cách thức và mức độ quản lý Internet ở mỗi quốc gia có sự khác nhau. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nhiều lần khẳng định rằng Việt Nam không ngăn cấm mạng xã hội mà chỉ điều chỉnh những hạn chế và mặt trái của mạng xã hội như nhiều quốc gia khác.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới. Theo số liệu được công bố hồi năm ngoái của Tổ chức thống kê số liệu Internet quốc tế (internetworldstats), tính đến tháng 6/2015, Việt Nam có 45,5 triệu người dùng Internet, chiếm 48% dân số, đứng thứ 6 ở châu Á về số người sử dụng Internet, chỉ sau Trung Quốc (674 triệu người), Ấn Độ (354 triệu người), Nhật Bản (114,9 triệu người), Indonesia (73 triệu người), Philippines (47,1 triệu người). 

Nếu so với số người sử dụng Internet ở Việt Nam trước năm 2000 (chỉ ở mức khoảng 200.000 người), sau hơn 15 năm, số người sử dụng Internet ở Việt Nam đã tăng hơn 200 lần. 

Riêng với trang mạng xã hội Facebook, Việt Nam hiện được xếp trong nhóm những nước đứng đầu thế giới về mức độ tăng trưởng số người sử dụng. Đây là một kênh chia sẻ thông tin với nhiều tiện ích được nhiều người ở Việt Nam ưa chuộng và thu hút hầu hết giới trẻ tham gia.

Không chỉ Facebook, người dân Việt Nam có rất nhiều kênh khác nhau để tiếp cận thông tin. Những năm gần đây, truyền thông điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh chưa từng thấy với hàng trăm tờ báo và tạp chí điện tử ra đời, hàng nghìn trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép, nhiều mạng xã hội được đăng ký hoạt động cùng một số lượng lớn blog cá nhân. 

Thậm chí, chính phủ Việt Nam và nhiều cơ quan nhà nước đang sử dụng mạng xã hội để truyền tải thông tin tới đông đảo người dân. Vì thế, có thể nói rằng tự do Internet ở Việt Nam là sự thật không thể bác bỏ. Hay nói cách khác, Việt Nam là quốc gia hết sức thân thiện với Internet.

Hơn nữa, được xác định là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, việc phát triển Internet tại Việt Nam đang là mối quan tâm chung của chính phủ và cả cộng đồng. Từ tháng 9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.”

Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã phát biểu công nhận vai trò của các mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Tất cả những điều đó cho thấy đảm bảo tự do báo chí và tự do Internet luôn là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam không cấm mạng xã hội, nhưng hạn chế những mặt trái do mạng xã hội gây ra, tác động tiêu cực đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống của người dân cũng như những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh-chính trị của đất nước. 

Trước những mặt trái của mạng xã hội, đòi hỏi người sử dụng Internet phải tỉnh táo, biết kiểm soát, chọn lọc thông tin để khai thác tối đa lợi ích, tránh những tác động tiêu cực. Đặc biệt là ngăn chặn các thế lực thù địch lợi dụng để bóp méo, xuyên tạc sự thật nhằm tác động vào tư tưởng, tình cảm của người dân.

Với chính sách cởi mở với Internet và các mạng xã hội ở Việt Nam, các cơ quan truyền thông nước ngoài trước khi phê phán Việt Nam cần tìm hiểu thông tin một cách toàn diện để tránh đưa những thông tin lệch lạc, sai sự thật, ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ Internet ở Việt Nam là một thực tế sinh động và đầy sức thuyết phục để bác bỏ mọi sự vu cáo, xuyên tạc về sự hạn chế của chính phủ Việt Nam đối với việc tiếp cận Internet và mạng xã hội của người dân.

Theo Vietnam+