Washington đang vận động hành lang để một loạt nước Châu Âu và đồng minh của họ tẩy chay Huawei Technologies Ltd. khi những nước này đang tiến hành đầu tư nâng cấp lên mạng 5G. Lý do khiến Mỹ muốn tẩy chay Huawei là bởi họ coi tập đoàn công nghệ của Trung Quốc là một mối đe dọa an ninh. Australia, Nhật Bản và một số nước khác đã áp đặt các biện pháp hạn chế đối với công nghệ của Trung Quốc nhưng các thiết bị giá thành thấp của Huawei vẫn đang được dùng phổ biến ở nhiều nước đang phát triển và cũng đang xâm nhập vào thị trường Châu Âu.
Việc để Huawei tham gia dù chỉ một vai trò nhỏ trong mạng 5G cũng sẽ cho phép Bắc Kinh mở rộng “quốc gia giám sát” của họ bằng cách nghe trộm điện thoại và các hệ thống dựa trên mạng lưới khác, ông Keith Krach – Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho biết.
“Tôi cho rằng, nhiều nước giống như chúng tôi sẵn sàng giúp cung cấp nhiều công cụ tài chính và những kiểu như vậy bởi chúng tôi đều hiểu về mối nguy cơ nói trên”, ông Krach cho hay trong cuộc họp trực tuyến với các phóng viên.
Huawei – tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc, là nhà sản xuất thiết bị mạng lới lớn nhất và cũng là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai của thế giới. Huawei cũng đang dẫn đầu trong công nghệ 5G cùng với Nokia Corp. của Phần Lan và LM Ericsson của Thụy Điển.
Washington đang đàm phán với Brazil về khả năng cung cấp tài chính cho các công ty viễn thông của nước này để họ mua các thiết bị 5G, tờ Folha de Sao Paulo dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Brazil - Todd Chapman cho biết. Ông Chapman tiết lộ, Washington cũng đang đàm phán với các nước khác về nội dung tương tự.
Thứ trưởng Krach không cung cấp thông tin chi tiết về mức hỗ trợ tài chính cụ thể nhưng đề cập đến hãng Samsung của Hàn Quốc như là nhà cung cấp tiềm năng “các thiết bị viễn thông đáng tin cậy”.
Diễn biến trên cho thấy Mỹ vẫn quyết liệt gây sức ép mọi phía với Huawei trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng vì đại dịch Covid-19, về một luật an ninh được áp dụng với Hồng Kông và về một cuộc đụng độ ở biên giới gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Huawei phủ nhận các cáo buộc của Mỹ về việc họ đang tạo điều kiện cho hoạt động tình báo, gián điệp của chính phủ Trung Quốc cũng như họ đang bị chính phủ Trung Quốc điều khiển. Nhà sáng lập ra Huawei - Ren Zhengfei hồi tháng 1 năm ngoái đã tuyên bố rằng ông này sẽ từ chối những yêu cầu chính thức đòi tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng bất chấp việc luật Trung Quốc yêu cầu các công ty phải cung cấp bất kỳ thông tin nào nếu chính phủ yêu cầu.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào tập đoàn Huawei kể từ khi Washington khởi động chiến dịch nhằm chặn đứng uy thế công nghệ đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc. Đòn giáng gần đây nhất và được cho là sẽ có ảnh hưởng nặng nề nhất đến Huawei là việc Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng Năm chính thức ra lệnh cấm bán silicon được sản xuất bằng công nghệ Mỹ cho Huawei. Đây là một đòn đánh thẳng vào trung tâm của bộ máy bán dẫn trong tập đoàn Huawei cũng như vào các tham vọng rất lớn của tập đoàn này trong các lĩnh vực từ trí tuệ nhân tạo đến các dịch vụ di động. Theo nguồn tin thân cận trong nội bộ của Huawei, kho dự trữ chip cần thiết cho các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ cạn kiệt vào đầu năm 2021. Gã khổng lồ công nghệ của Trung có lẽ sẽ không bao giờ ngờ được có một ngày họ có thể rơi vào tình thế là viễn cảnh không có linh kiện để sản xuất.
Đòn giáng trên là bước cao trào trong một chiến dịch tấn công đồng bộ của chính quyền Tổng thống Trump nhằm vào Huawei - một chiến dịch được Mỹ khởi động từ cách đây một năm khi Nhà Trắng cố gắng tìm cách chặt đứt nguồn phần mềm của Mỹ vào Huawei, vận động các đồng minh từ Anh cho đến Australia tẩy chay công nghệ 5G của Huawei và thậm chí còn thuyết phục được cảnh sát Canada bắt giữ con gái của chủ tập đoàn Huawei.