Các sinh viên công nghệ tham dự Cuộc đua số 2017 - 2018 trực tiếp khám phá và trải nghiệm công nghệ xe tự hành do FPT phát triển, tại sự kiện Open Camp diễn ra tháng 1/2018 tại TP.HCM.
Trong chia sẻ lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi giải Toán, Vật lí qua Internet - ViOlympic năm học 2017 - 2018 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội hôm qua, ngày 19/5, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT nhấn mạnh: “Trí tuệ Việt Nam ngày hôm nay đã đến được với những tập đoàn có trí tuệ cao nhất trên thế giới. Và trong những chiếc xe ô tô chạy trên khắp đất nước ở Việt Nam hay ở trên thế giới hiện có rất nhiều những dòng lệnh được viết bởi các kỹ sư phần mềm. Cả những chiếc máy bay đang bay trên trời cũng có những dòng lệnh của kỹ sư Việt Nam. Trí tuệ Việt Nam đang đi đến khắp mọi nểu đường trên thế giới”.
Ông Bình cũng cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đang tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội, các bạn trẻ Việt Nam say mê Toán học có tương lai rộng lớn hơn rất nhiều. ““Bởi vì với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trái tim của nó là trí tuệ nhân tạo mà trí tuệ nhân tạo thực chất là Toán. Toán học là sức mạnh mà Việt Nam vượt trội trên thế giới… FPT đang làm việc với các trường đại học, các phòng nghiên cứu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot, máy bay không người lái, blockchain… những công nghệ mà người Việt Nam thuận học. Các nước có một số người rất giỏi nhưng số đông thì không; còn Việt Nam chúng phải chiến thắng bằng sự khác biệt, bằng số đông”, ông Bình cho hay.
Ngay trước đó, trong vòng chung kết cuộc thi Cuộc đua số năm 2017 – 2018 chủ đề “Lập trình xe tự hành” diễn ra tối 17/5 vừa qua, đề cập đến chủ đề xe tự hành, người đứng đầu FPT chia sẻ: “Rất nhiều người nghĩ ô tô quyền lực bởi cơ khí mà đỉnh cao là các động cơ. Còn chúng ta nghĩ giá trị của ô tô sẽ là phần mềm. Bởi lẽ, người ta dự báo rằng 90% giá trị của các xe ô tô tương lai là ở phần mềm. Ngành ô tô cũng được dự báo là ngành sẽ thay đổi mạnh nhất, nhanh nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Tự trả lời cho câu hỏi “Việt Nam ở đâu trong xu hướng đó, trong ngành công nghiệp mới này?", ông Bình nói: "Chúng ta có thể có hàng triệu người tham gia ngành công nghiệp ô tô tương lai. Trong đêm chung kết cuộc đua số này, có đội đạt giải đội không nhưng các bạn đều thành công bởi đã bước thêm một bước chân nữa vào ngành ô tô tương lai".
Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt cho biết, từ hơn 5 năm trước, Chủ tịch Trương Gia Bình đã đề ra chiến lược SMAC và từ đó đến nay FPT đầu tư nhiều vào các công nghệ mới này. “Thời gian gần đây, chúng tôi đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo, tự hành… Chiến lược của FPT là cùng tiên phong trong chuyển đổi số, đưa các phương thức kinh doanh truyền thống sang phương thức số”, ông Việt khẳng định.
Đại diện FPT cho biết thêm, việc tập đoàn này tổ chức thường niên cuộc thi Cuộc đua số từ năm 2016 cũng nhằm thực hiện mục tiêu thúc đẩy lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ ô tô tại Việt Nam theo xu hướng mới nhất của cuộc cách mạng 4.0. FPT đang có nhu cầu nhân lực lớn cho mảng Automotive và doanh nghiệp này kỳ vọng các thí sinh Cuộc đua số với phần lớn là những sinh viên năm thứ 2, thứ 3 các trường đại học, Học viện sẽ là nguồn nhân lực tương lai cho mảng Automotive của FPT.
Cũng theo FPT, một trong những ngành được xem là có những thay đổi nhanh và mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là công nghiệp ô tô với 90% sáng tạo thuộc về ứng dụng phần mềm. Theo dự báo của các hãng nghiên cứu, ngành công nghiệp ô tô sẽ phát triển theo 4 xu hướng chính gồm tự động hóa, kết nối, xe điện và chia sẻ xe như một dịch vụ. Các xu hướng này sẽ mang đến sự thay đổi lớn chưa từng có và ngành công nghiệp ô tô truyền thống có thể bị “phá vỡ”.
Các hãng nghiên cứu cũng dự báo, tổng doanh thu của ngành công nghiệp ô tô đến năm 2030 đạt 6.700 tỷ USD, trong đó có tới 1.500 tỷ USD được đóng góp từ các dịch vụ sáng tạo dựa trên công nghệ mới. Đến năm 2030, 70% xe ô tô bán ra thị trường được tích hợp công nghệ tự lái.
Khi các phần mềm, ứng dụng mới làm chủ các sáng tạo của ngành công nghiệp ô tô thì các nhà sản xuất ô tô hiểu rằng, xe hơi không còn là “lãnh địa bất khả xâm phạm” của Ford, GM, Honda, Daimler, Toyota, Jaguar Land Rover hay Volkswagen nữa mà là lãnh địa của các công ty công nghệ.
Trung tuần tháng 5/2018, FPT đã chính thức nộp đơn đến Bộ Giao thông Vận tải xin phép chạy thử nghiệm chiếc xe thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển trong khuôn viên của khu Công nghệ cao Quận 9, TP.HCM; khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và khu đô thị FPT City.
Năm 2016, với quyết tâm thúc đẩy phát triển mảng công nghệ ô tô, FPT đã thành lập một Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này, đó là Công ty phần mềm chiến lược Automotive (FPT Global Automotive - FGA) thuộc FPT Software với quy mô 700 người.
Giữa năm 2017, những ứng dụng công nghệ mới nhất về xử lý hình ảnh, trí tuệ nhân tạo, học sâu (deep learning) đã được FPT đưa vào thử nghiệm trên xe ô tô mô hình. Tháng 10/2017, chiếc xe ô tô thương mại đầu tiên tích hợp công nghệ xe tự hành do FPT nghiên cứu và phát triển đã được đưa vào chạy thử nghiệm trong khuôn viên của công ty; ce có thể chạy ổn định 20km/h trong các điều kiện thời tiết khác nhau. Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 5/2018, FPT đã chính thức nộp đơn đến Bộ Giao thông Vận tải xin phép chạy thử nghiệm chiếc xe này trong khuôn viên của khu Công nghệ cao Quận 9, TP.HCM; khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội và khu đô thị FPT City.
Hiện tại, FPT đang triển khai các dự án liên quan đến công nghệ xe tự hành nói riêng và công nghệ ô tô nói chung cho khoảng 40 khách hàng lớn trên toàn cầu và có 2.000 nhân sự làm việc trong mảng Automotive. FPT kỳ vọng trong vòng 3 năm tới mảng công nghệ này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 50 - 60%/năm.
FPT cũng đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất trong lĩnh Automotive và mục tiêu vào năm 2025 là 10% lượng phần mềm chạy trên các xe ô tô trên toàn thế giới do FPT phát triển.
Một lần nữa nhấn mạnh: với sự dịch chuyển chủ yếu sáng tạo từ phần cứng lên 90% thuộc về phần mềm, ô tô sẽ là một trong những ngành có sự thay đổi mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng 4.0, đại diện FPT nêu quan điểm, trong xu thế đó, Việt Nam không chỉ là nguồn cung cấp nhân lực công nghệ trẻ cho cuộc cách mạng 4.0 mà sẽ trở thành trung tâm của ngành công nghiệp phần mềm ô tô toàn cầu.
Theo ICT News