Video do Hiệp hội ung thư Thụy Điển Cancerfonden chia sẻ, trong đó hướng dẫn phụ nữ cách kiểm tra ngực mình có khối u hay không. Video nhằm tuyên truyền nhận thức rằng nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân ung thư vú có rất nhiều cơ hội sống sót.
Tuy nhiên phía Facebook cho rằng, hai vòng tròn màu hồng mà nhóm dùng minh họa trong video mang tính "công kích" và xóa nó đi.
Nhóm thực hiện đã cố tìm cách tuân thủ quy tắc của Facebook nhưng bất thành, cuối cùng họ quyết định sửa hai vòng tròn thành... hai hình vuông. Tuy nhiên video vẫn chưa được khôi phục trên Facebook.
Về sự việc này, Tổ chức chống căn bệnh ung thư của Thụy Điển Cancerfonden đã gửi bức thư ngỏ tới Facebook để phản đối việc xóa bỏ video kể trên.
Người phát ngôn của Cancerfonden, Lena Biörnstad bày tỏ sự thất vọng về cách Facebook xử lý một chiến dịch thông tin y học trong khi những thông tin này đang cứu sống nhiều người. Bà nói “"đây là thông tin cứu mạng người, chúng quan trọng đối với chúng tôi. Việc làm của Facebook đã ngăn cản chúng tôi cứu người".
Ngay sau đó, Facebook đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận đây là "sai sót" khi tiến hành gỡ bỏ video. Đồng thời, cho rằng do đội ngũ nhân viên của hãng xử lý hàng triệu hình ảnh đăng tải mỗi tuần và việc nhà mạng cấm quảng cáo đối với chiến dịch chống ung thư vú là không đúng.
Tháng 9 vừa qua, Facebook cũng bị chỉ trích gay gắt khi gỡ bỏ hình ảnh "Em bé Napalm" rất nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam do tờ Aftenposten - tờ báo lớn nhất của Na Uy đăng tải. Tuy nhiên, hãng này đã phải thu hồi quyết định kiểm duyệt đối với "Em bé Napalm" sau khi được các hãng truyền thông và các chuyên gia giải thích.
Facebook hiện có khoảng 1,7 tỷ người sử dụng, cấm đăng tải những hình ảnh khỏa thân trừ những trường hợp cho con bú, tác phẩm nghệ thuật hoặc vì mục đích giáo dục.