Đây được xem là một hành động đáp trả những chỉ trích không ngừng gia tăng khi cho rằng Facebook nỗ lực chưa đủ để giải quyết các vấn đề tin tức giả vốn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua.
Chia sẻ trên trang cá nhân, Phó Chủ tịch Facebook Adam Mosseri cho biết các tính năng mới này là một phần của quá trình liên tục cải tiến và thử nghiệm với mục đích nâng cao khả năng đối phó với các thông tin giả mạo của trang mạng xã hội.
Theo đó, Facebook sẽ bắt đầu thử nghiệm một hệ thống cho phép người dùng đánh dấu bằng một lá cờ đối với các tin tức mới trên bảng tin của mình nếu họ nghi ngờ đây là thông tin thất thiệt.
Trang mạng xã hội này sẽ hợp tác với các tổ chức như trang web chuyên về việc kiểm tra thông tin giả Snopes và 2 hãng tin lớn là ABC News và AP để thẩm định tính xác thực của của tin tức hay các câu chuyện.
Nếu một thông tin đăng trên Facebook bị các tổ chức trên xác định là bịa đặt, nó sẽ bị đánh dấu là "tin nghi vấn" và dẫn liên kết đến bài viết tương ứng giải thích về điều này.
Ngoài ra, sự hiển thị của những thông tin giả mạo sẽ bị đẩy xuống phía dưới trong bảng tin tức mới của người dùng.
Động thái trên của Facebook được đưa ra trong bối cảnh trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh đang hứng chịu những chỉ trích vì thất bại trong việc ngăn chặn sự truyền bá các thông tin thất thiệt, được cho là đã giúp tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua bằng cách phán tán những thông tin giả mạo về đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Theo đó, trước cuộc bầu cử ngày 8/11, người dùng đã thấy các tin tức giả mạo nói rằng Đức Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Trump hay cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton đang điều hành một đường dây tình dục trẻ em tại một nhà hàng pizza.
Giám đốc điều hành Facebook Mark Zukerberg đã bác bỏ những cáo buộc trên, khẳng định đây là một "ý tưởng điên rồ", đồng thời cam kết đẩy mạnh nỗ lực loại bỏ các thông tin sai lệch.
Cùng ngày, một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy trong số 1.002 người Mỹ trưởng thành được hỏi có tới 64% tin rằng các thông tin bịa đặt gây ra sự hỗn loạn về những thực tế căn bản trong các sự kiện hiện nay. Mặc dù đa số người Mỹ cho rằng các tin tức thất thiệt khiến thông tin hỗn loạn, song họ đều bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng nhận biết của mình.
Cụ thể, 39% người được hỏi cho biết "rất tự tin" với việc nhận biết các thông tin bịa đặt, trong khi 45% "có chút tự tin."
Tuy nhiên, gần 1 trong số 4 người được hỏi lại cho biết họ đã chia sẻ một thông tin bịa đặt. Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 1-4/12, với tỷ lệ sai số là 3,6 %.
Theo VietnamPlus