Là cuộc thi công nghệ lớn nhất khu vực ASEAN về trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) có tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 300.000 USD, TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017 tiếp tục mang đến cho các nhân tài đam mê công nghệ một sân chơi tầm cỡ khu vực, tạo cơ hội để họ được thỏa sức sáng tạo, thể hiện tài năng.
Chương trình được TOPICA AI Edtech Lab phối hợp cùng Up Coworking Space và Thành đoàn Hà Nội tổ chức trong 2 ngày từ 19/5 - 21/5/2017 tại không gian làm việc chung BKHUP Co-Working Space, tầng 3 toà nhà A17, 17 Tạ Quang Bửu, Hà Nội. Đặc biệt, TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017 nhận được sự tài trợ của nhiều “ông lớn” công nghệ như Facebook, Google, IBM, Amazon (AWS), HPC Nhật Bản, Edtech Asia.
Với slogan “Vẻ đẹp nhân tạo cần trí tuệ nhân tạo”, 18 đội thi từ nhiều quốc gia thi đấu theo 3 hạng mục chính là đưa AI vào 5 ứng dụng có sẵn trên VR, Hololens, Hologram, Kinect; phát triển ứng dụng AI cho giáo dục; và phát triển ứng dụng AI bất kì. Đây không chỉ là cuộc đua cá nhân đơn giản, mà đó là môi trường làm việc áp lực và căng thẳng suốt 48 giờ đồng hồ khi vô vàn những ý tưởng lớn đụng độ và tranh tài với nhau trong một cuộc chiến đầy kịch tính.
Trải qua 48 giờ thi đấu đầy gay cấn, Ban tổ chức cuộc thi lập trình theo nhóm TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017 đã tìm ra nhiều ý tưởng vô cùng độc đáo để có thể ứng dụng vào công nghệ AI.
Kết quả chung cuộc, giải Nhất đã thuộc về đội “Nguyễn Hiền” với ứng dụng học tiếng Anh cho trẻ em thông minh (Ứng dụng và phát triển Faster R-CNN để xây dựng tự động kho bài giảng tiếng Anh cho trẻ em , giúp việc học tiếng Anh sinh động và luôn cập nhập với kiến thức thực tế).
Với việc giành được giải cao nhất cuộc thi TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017, đội “Nguyễn Hiền” gồm 5 lập trình viên Hoàng Thanh Tùng, Phạm Duy Nguyễn, Lê Mạnh Tiến, Phạm Gia Khánh và Phạm Công Huân đều đang công tác tại các công ty công nghệ tại Hà Nội nhận được giải thưởng gồm 30 triệu đồng; gói hỗ trợ FbStart 80.000 USD của Facebook; Fellowship 6 tháng tại Topica AI Edtech Lab; gói 12.000 USD credit sử dụng IBM Cognitive; Google Cloud Credit trị giá 2.000 USD; và trọn gói chuyến tham dự, được vinh danh trên sân khấu Edtech Asia Summit 2017 trị giá 2.000 USD.
Giải Nhì của cuộc thi đã thuộc về đội “Techaholic” gồm 4 sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (Nguyễn Xuân Bách, Trần Công Khanh, Đỗ Trung Tá, Đỗ Viết Tùng) với ý tưởng đánh giá chất lượng buổi học dựa trên cảm xúc học viên (Ứng dụng AI, các công nghệ nhận dạng khuôn mặt cộng với dữ liệu video tự record và tham khảo từ Youtube để xây dựng model cảm xúc khuôn mặt cho người Việt nhằm xác định cảm xúc từ 1 video quay khuôn mặt). Với việc giành giải Nhì, ngoài 15 triệu đồng tiền mặt, đội “Techaholic” còn nhận được Gói hỗ trợ FbStart 80.000 USD của Facebook; Fellowship 6 tháng tại Topica AI Edtech Lab; gói 12.000 USD credit sử dụng IBM Cognitive; và Google Cloud Credit trị giá 2.000 USD.
Với ý tưởng gợi ý bài học được yêu thích qua cảm xúc học viên (Cải tiến các model AI để có thể xử lý tại thiết bị di động với khả năng tính toán thấp nhằm áp dụng trong việc xử lý nhận dạng khuôn mặt real-time, phân loại cảm xúc học viên qua đó gợi ý bài học yêu thích), đội “InfoRin” gồm 4 thành viên Hà Minh Quyết, Trần Tất Huy, Đào Duy Sơn, Nguyễn Ngọc Thịnh đều đang làm tại công ty InfoRe (Hà Nội) đã giành được giải Ba cuộc thi TOPICA AI Edtech Asia Hackathon 2017. Giải thưởng dành cho đội thi “InfoRin” đoạt giải Ba gồm có 5 triệu đồng; Gói hỗ trợ FbStart 80.000 USD của Facebook; Fellowship 6 tháng tại Topica AI Edtech Lab; Gói 12.000 USD credit sử dụng IBM Cognitive; Google Cloud Credit trị giá 2.000 USD.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đã trao 2 giải phụ (mỗi giải 5 triệu đồng và 1 suất học bổng tham dự Topica AI Edtech Lab trong 12 tháng dành cho thành viên trực tiếp xây dựng mô hình AI) cho 2 đội thi “BKSmart” và “The Hungers”.
Cụ thể, giải “Ứng dụng AI tốt nhất” đã thuộc về đội “The Hungers” với ý tưởng Hệ thống số hóa tài liệu sách, báo tiếng Việt (Công nghệ nhận dạng chữ viết tiếng Việt OCR truyền thống được áp dụng AI trên nền TensorFlow để chuyển đổi 1 cách hiệu quả các ảnh chụp văn bản thành dữ liệu text nhằm lưu trữ, tìm kiếm, phân tích thông tin tiện lợi hơn). Giải “Phần mềm công nghệ giáo dục tốt nhất” được trao cho đội “BKSmart” với sản phẩm Máy chơi cờ vua (Kết hợp giữa cánh tay robot với trí tuệ nhân tạo để chơi và dạy cờ vua với trẻ em trên bàn cờ thật).