Buổi tiếp đã tập trung vào chương trình các Thành phố Thế giới (World Cities) mà Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh là hai thành phố tại Việt Nam được EU lựa chọn để áp dụng dự án cải thiện cơ sở hạ tầng này. World Cities là một dự án của EU trị giá 700.000 Euro do Tổng cục về Chính sách Đô thị và Khu vực (DG REGIO) thuộc Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ quản lý.
Dự án nhằm thúc đẩy sự trao đổi kinh nghiệm và những thực tiễn tốt nhất giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia không thuộc EU về chủ đề phát triển lãnh thổ với trọng tâm là sự phát triển đô thị bền vững. Theo đó, trên cơ sở tương đồng về địa lý, văn hóa xã hội, chương trình đã “ghép cặp” để hai thành phố Milan (Italy) và Kosice (Slovakia) sẽ tham gia trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng đô thị thông minh lần lượt với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ dự án.
Trao đổi tại buổi tiếp, Đại sứ Bruno Angelet mong được thông tin về hướng phát triển của Thủ đô thời gian tới, đồng thời cũng chia sẻ về những thành tựu của hai thành phố Milan và Kosice trong phát triển đô thị và kỳ vọng các bên sẽ sớm đưa ra được danh mục những hoạt động hợp tác, nhanh chóng triển khai chương trình World Cities đi vào hiệu quả thiết thực.
Chúc mừng thành tựu phát triển của Milan và Kosice, Chủ tịch UBND Thành phố bày tỏ mong muốn thành phố Hà Nội sẽ có cơ hội học tập kinh nghiệm phát triển từ các đô thị EU.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, trong thời gian tới, TP. Hà Nội ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đào tạo nhân lực, cải cách hành chính; đặc biệt là sử dụng CNTT trong cải cách hành chính. Trung tâm điều hành chung về CNTT cho Thành phố sẽ được hoàn thành trong năm nay phục vụ việc phòng chống tội phạm nơi công cộng, điều hành giao thông công cộng, hỏi đáp thủ tục hành chính.
Dự tính đến cuối năm 2020 xây dựng hệ thống big data cho TP. Hà Nội. Thu nhập thuế từ các DN CNTT mỗi năm chiếm 15% GDP, là một trong những thế mạnh của Hà Nội. Chính quyền cũng đang tập trung hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Thành phố và hiện đang phát triển hạ tầng hai khu trung tâm CNTT cho các DN trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố cũng khẳng định Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các DN Italy và Slovakia ở các lĩnh vực thiết kế, cải tạo, y tế, cải cách hành chính… trong bối cảnh quá trình xây dựng Thành phố thông minh của Hà Nội vẫn đang ở giai đoạn đầu. Ông cũng bày tỏ hoan nghênh những hỗ trợ của Đại sứ Bruno Angelet trong việc triển khai dự án World Cities.
Chia sẻ trong khuôn khổ buổi tiếp, Đại sứ Italy tại Việt Nam, bà Cecilia Piccioni khẳng định Milan sẵn sàng hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với Hà Nội trong lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh. Quan hệ hợp tác song phương tốt đẹp giữa Hà Nội với Milan, Việt Nam với Italy thời gian qua là nền tảng vững chắc để hai bên tiếp tục có các hợp tác thời gian tới.
TPTM được hiểu là sự hội tụ của 3 yếu tố gồm: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện. Khi đó, thành phố có nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh. Trong đó, cư dân thông minh không chỉ là trình độ học vấn và chất lượng đào tạo mà còn bao gồm các tương tác hướng đến một xã hội mở; quản trị thông minh gồm các khía cạnh của quản lý, dịch vụ cho cư dân cũng như chức năng của các đơn vị hành chính; nền kinh tế thông minh gồm các yếu tố sáng tạo, hợp tác đầu tư, thương hiệu, hiệu quả sản xuất và thị trường lao động linh hoạt gồm cả trong và ngoài nước...