Danh sách dựa trên phân tích định lượng của hãng nghiên cứu Statista tại hơn 1.500 công ty fintech trên toàn thế giới, thuộc 9 phân khúc thị trường khác nhau, với nhiều tiêu chí như doanh thu, số lượng người dùng và tổng vốn huy động được.
Việc phân loại nhằm phản ánh đặc thù hoạt động của các fintech ở từng phân khúc thị trường.
Theo CNBC, danh sách bao gồm nhiều công ty nổi tiếng như Ant Group, Tencent, PayPal, Stripe, Klarna, Revolut…cũng như một số startup mới thành lập đang tìm cách định hình tương lai của ngành dịch vụ tài chính.
Đáng chú ý, trong mảng thanh toán kỹ thuật số (Digital Payments), Việt Nam có một đại diện, là Zion – đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay.
Zion (CTCP Zion) bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2005 và nhận được sự hậu thuẫn lớn từ CTCP VNG (VNG – Mã CK: VNZ). Cùng với sự bùng nổ của ứng dụng chat Zalo, ZaloPay nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những ví điện tử phổ biến hàng đầu tại Việt Nam.
Trên website chính thức, ZaloPay tự giới thiệu đã liên kết với 39 ngân hàng, tổ chức chuyển mạch tài chính, 3 tổ chức thẻ quốc tế, Grab Việt Nam và công ty chứng khoán DNSE.
Tính đến cuối năm 2022, VNG sở hữu 69,98% vốn Zion, đồng thời ghi nhận giá trị khoản đầu tư lên tới 2.962,7 tỉ đồng. Zion vẫn chưa thể đem về lợi nhuận cho VNG. Năm ngoái, quy mô khoản lỗ (tính thuế) của công ty này ở mức 1.309,8 tỉ đồng.
Tháng trước, ban lãnh đạo VNG cho biết khoản lỗ khi đầu tư vào ZaloPay là kết quả đã được dự báo trước và là ‘khoản đầu tư dài hạn’. Công ty sẽ tập trung vào chất lượng, công nghệ, nền tảng khách hàng rồi mới tìm kiếm cơ hội doanh thu. Theo ban lãnh đạo VNG, đây là mô hình kinh doanh phổ biến của các công ty công nghệ.
Theo dữ liệu của Statista, tổng giá trị giao dịch trong thị trường thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam dự kiến đạt 23,99 tỉ USD vào năm 2023, và có tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) tới năm 2027 ở mức 14,82%./.