Minh bạch hóa thông tin sản xuất đang là nhu cầu cấp thiết của thị trường trong hoàn cảnh thiếu hụt niềm tin về an toàn thực phẩm. Vì thế, theo ông Bùi Huy Bình - Giám đốc điều hành Công ty giải pháp và dịch vụ TXNG TraceVerified, các doanh nghiệp thực phẩm muốn tăng giá trị thương hiệu cần tham gia sân chơi TXNG.
Đa dạng phần mềm truy xuất
Ông Bình cho biết, để TXNG sản phẩm bất kỳ trong hệ thống TraceVerified, người tiêu dùng chỉ cần dùng phần mềm quét mã QR code bất kỳ là sẽ nhận đầy đủ thông tin về nơi và quy trình sản xuất, loại phân, thuốc được dùng, người thu hoạch… “Mỗi mắt xích của quy trình phải đáp ứng 2 thông tin là đến từ đâu và đi tới đâu” - ông Bình nói.
Một dự án tương tự mang tên Te-Food được Sở Công Thương TPHCM triển khai từ ngày 16/12 cho mặt hàng thịt lợn. Tiến sỹ Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM - cho biết: “Đối tác và người tiêu dùng có thể cài ứng dụng Te-Food để tìm thông tin về nông trại, cơ sở kiểm tra thú y, lò giết mổ, chủ đầu mối bán lẻ… cho từng miếng thịt. Sản phẩm mỗi ngày đều có mã riêng. Nếu truy xuất vào hôm sau, hệ thống sẽ báo là thịt đã được bày bán trên 24 giờ”.
Một khách hàng đang sử dụng điện thoại thông minh truy xuất nguồn gốc của rau gia vị trong siêu thị. Ảnh: Lệ Hằng
Ở mỗi công đoạn như xuất chuồng, kiểm dịch, đưa đến lò giết mổ, phân phối, người phụ trách sẽ kích hoạt vòng nhận diện có chốt khóa an toàn không thể tháo, có gắn QR code, khắc laser chống sao chép. Sau khi kích hoạt, Te-Food sẽ ghi nhận thông tin của từng khâu.
Ông Nguyễn Ngọc Anh - Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Việt Nam - cho biết DAA sắp ra mắt ứng dụng TXNG FoodTrace. Thường mã sản phẩm được gắn theo lô, nhưng DAA dùng mã riêng cho từng gói sản phẩm để tránh rau bị trà trộn, với bộ tài nguyên số đủ dùng trong 100 năm.
Kiểm soát thông tin được cung cấp
“Vấn đề FoodTrace quan tâm là bảo đảm tính trung thực của thông tin do nhà sản xuất cung cấp. Vì thế, thông tin được cập nhật tự động chứ không do người nhập” - ông Ngọc Anh nói và cho biết, FoodTrace có một “hệ sinh thái” gồm nhà sản xuất, nhà bán lẻ, chính quyền, cơ quan kiểm toán cùng tham gia đánh giá, đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Hệ thống này cũng khắc phục được khâu yếu nhất trong TXNG thực phẩm là vận chuyển.
“Chúng ta có công cụ kiểm soát tại ruộng và cửa hàng, nhưng trên đường thì khó. Vì thế, FoodTrace tạo phần mềm kiểm soát hành trình từ nhận tới giao hàng. Bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể trả lời chiếc xe đang ở đâu, mỗi sản phẩm nằm ở vị trí nào trên xe” - ông Ngọc Anh nói.
Với Te-Food, thông tin truy xuất được kiểm soát bằng cơ chế các bên kiểm tra lẫn nhau. “Nếu có bên nào làm sai, bên còn lại sẽ lên tiếng. Te-Food còn là chương trình ứng dụng công nghệ thông tin có sự tham gia của chính quyền với các biện pháp hành chính. Ai bị phát hiện làm sai sẽ phải “nghỉ chơi vĩnh viễn” - ông Trung nói.
Với TraceVerified, thông tin do các đối tác trong chuỗi cung ứng đưa ra. Các bên phải chấp nhận cơ chế kiểm tra bao gồm kiểm tra chéo, kiểm tra của chuyên gia và lấy mẫu (do đơn vị thứ ba thực hiện). Nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về thông tin công bố, chấp nhận phản ứng của khách hàng khi bị phát hiện gian dối về dữ liệu. “Áp lực từ thị trường quyết định sự tồn tại của nhà sản xuất, buộc họ trung thực và minh bạch” - ông Bình nói.
Rõ ràng, về mặt kỹ thuật, hệ thống truy xuất hiện nay có khả năng giúp người tiêu dùng kiểm soát nguồn gốc thực phẩm. Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa thực sự phổ biến. Theo ông Bình, nguyên nhân là người tiêu dùng chưa có thói quen dùng sản phẩm đóng gói và kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.
Theo Khoa học và Phát triển