Bộ Năng lượng Mỹ vừa công bố các chi tiết của siêu máy tính đắt nhất thế giới. Với giá 500 triệu USD, siêu máy tính Aurora được Intel và Cray xây dựng và được hi vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua siêu máy tính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Aurora được đưa vào phát triển từ năm 2015, và dự kiến sẽ hoàn thành và được đưa vào sử dụng ở phòng thí nghiệm Argonne, Chicago năm 2021. Cỗ máy này có thể trở thành siêu máy tính đầu tiên của Mỹ đạt cột mốc thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây.
Cột mốc tỷ tỷ phép tính/giây
Còn được gọi là “exascale”, việc thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây giúp cho Aurora nhanh hơn 1.000 lần so với siêu máy tính đầu tiên đạt mốc “petascale”, hay 1 triệu tỷ phép tính/giây vào năm 2008.
Khả năng tính toán giúp cho cỗ máy này có thể tạo môi trường giả lập chính xác hơn cho các công việc như thử nghiệm phản ứng thuốc, giả lập biến đổi môi trường hay các điều kiện bên trong động cơ đốt.
Tốc độ của siêu máy tính thường không thể dự đoán trước, mà chỉ có thể được xác định khi nó thực hiện những bài thử nghiệm tiêu chuẩn. Tuy nhiên cột mốc 1 tỷ tỷ phép tính/giây là con số quá ấn tượng khiến bất cứ ai cũng phải quan tâm.
Chi phí phát triển IBM Summit, siêu máy tính nhanh nhất thế giới, là 200 triệu USD. Mức giá của Aurora cao hơn thế rất nhiều. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, ông Rick Perry cho biết Mỹ sẵn sàng đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD để xây dựng thêm nhiều máy tính có thể đạt mốc exascale.
Aurora cũng là hợp đồng kỷ lục của chính phủ Mỹ với Intel, cho thấy vị thế của hãng công nghệ Mỹ trong cuộc đua xây dựng siêu máy tính. Vi xử lý của Intel chiếm đa số các siêu máy tính hiện nay, nhưng nhiều hãng công nghệ khác như NVIDIA cũng đang cung cấp chip cho siêu máy tính.
Một phiên bản cũ của siêu máy tính Aurora từng được công bố năm 2015 dựa trên một con chip của Intel hiện đã ngừng phát triển. Đến năm 2017, kế hoạch tái khởi động dự án được công bố với mục tiêu lớn hơn. Phiên bản Aurora 2021 sẽ tích hợp nhiều công nghệ mới của Intel, bao gồm cả công nghệ chip, bộ nhớ, giao tiếp và đóng gói.
Cray, đối tác của Intel trong dự án Aurora cũng là một công ty có tiếng trong lĩnh vực siêu máy tính.
Ông Rick L. Stevens, Giám đốc phòng thí nghiệm Argonne cho rằng với rất nhiều công nghệ mới, việc phát triển Aurora có nhiều thách thức.
“Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những rủi ro để có thể tạo ra công nghệ tiên tiến hơn. Nếu không làm vậy thì sẽ không thể đi đầu về công nghệ”, ông Stevens nói với NY Times
Cuộc đua song mã giữa Mỹ và Trung Quốc
Siêu máy tính, những cỗ máy có thể thực hiện hàng triệu tỷ phép tính mỗi giây, đóng vai trò quan trọng trong những dự án thiết kế vũ khí hay mã hóa. Siêu máy tính được coi như sản phẩm thể hiện tiến bộ công nghệ và khoa học của các quốc gia. Mỹ đã dẫn đầu cuộc đua siêu máy tính trong hàng thập kỷ, nhưng gần đây Trung Quốc nổi lên như một đối thủ nặng ký.
Trung Quốc đã giữ vị trí siêu máy tính nhanh nhất thế giới trong 5 năm liền, trước khi chiếc IBM Summit, giành lấy vị trí này vào năm ngoái. Trong tổng số 500 siêu máy tính mạnh nhất, Trung Quốc cũng có tới 227 máy, trong khi Mỹ chỉ có 109 máy.
Thậm chí Aurora có thể cũng không phải là siêu máy tính đầu tiên đạt cột mốc exascale. Jack Dongarra, nhà khoa học máy tính tại đại học Tennessee cho rằng Trung Quốc có thể sẽ giới thiệu siêu máy tính đầu tiên với khả năng này vào năm 2020.
Sau Aurora, nhiều cỗ máy có thể thực hiện 1 tỷ tỷ phép tính mỗi giây sẽ được phát triển và đặt tại các phòng thí nghiệm quốc gia như Oak Ridge hay Lawrence Livermore.
Theo Zing
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu