Đề xuất chi trả BHYT cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tại Việt Nam, trong 1,4 triệu trẻ sinh ra mỗi năm, có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Đây là nhóm trẻ cần dinh dưỡng từ sữa mẹ nhất.

Trẻ sơ sinh cần dinh dưỡng từ sữa mẹ cho quá trình phát triển ở giai đoạn đầu đời
Trẻ sơ sinh cần dinh dưỡng từ sữa mẹ cho quá trình phát triển ở giai đoạn đầu đời

Mỗi năm có 35.000 trẻ cần sữa mẹ hiến tặng thanh trùng

Nhân ngày Thế giới vì Trẻ sinh non 2023, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo Hiệu quả của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong dinh dưỡng điều trị trẻ sinh non, nhẹ cân và khuyến nghị bổ sung quyền lợi trong Luật BHYT sửa đổi.

Tại hội thảo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra, sữa mẹ là giải pháp giúp phòng ngừa hơn 800.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tại Việt Nam, trong 1,4 triệu trẻ đẻ sống mỗi năm có khoảng 41.000 trẻ đẻ non và 54.000 trẻ nhẹ cân. Đây là nhóm trẻ cần dinh dưỡng từ sữa mẹ nhất, nhưng rất nhiều trong số đó không được bú mẹ hoàn toàn vì phải điều trị trong đơn vị hồi sức dài ngày và người mẹ thường quá căng thẳng nên khó tạo đủ sữa.

Việc thiết lập hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam đã tuân theo khuyến cáo của WHO về ưu tiên dinh dưỡng cho trẻ sinh non, nhẹ cân và có bệnh lý khi trẻ không được ăn sữa mẹ đẻ thì sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn tối ưu. Với quy trình sàng lọc và thanh trùng nghiêm ngặt, ngân hàng sữa mẹ giúp đảm bảo an toàn vi sinh và duy trì các thành phần sinh học thiết yếu trong sữa mẹ, nhờ vậy giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ bị lây các bệnh nghiêm trọng như HIV, viêm gan B và C, giang mai,… từ việc trao đổi, sử dụng sữa mẹ hiến tặng tự phát ngoài cộng đồng.

vt_sua me 1.png
Ông Đinh Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế chủ trì hội thảo

Cũng theo WHO, các nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng vượt trội của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong điều trị cho trẻ sinh non, nhẹ cân. Trong đó, tỷ lệ viêm ruột hoại tử - căn bệnh rất nguy hiểm với trẻ non tháng, nhẹ cân, dễ dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề - đã giảm tới 46% so với trẻ dùng sữa công thức. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cũng giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi và bệnh võng mạc mắt ở trẻ. Não bộ của trẻ được bảo vệ tốt hơn, ít tổn thương hơn so với trẻ chỉ được nuôi bằng sữa công thức.

Sau 6 năm thiết lập và vận hành, Việt Nam có 5 ngân hàng sữa mẹ và hai ngân hàng sữa mẹ vệ tinh. Giống như ngân hàng máu, ngân hàng sữa mẹ hoạt động với phương châm nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, đảm bảo việc hiến sữa hoàn toàn tự nguyện.

Theo ước tính của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), mỗi năm có khoảng 35.000 trẻ trên cả nước cần sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng, với nhu cầu khoảng 100 lít mỗi ngày. Nếu vận hành tối đa công suất, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ hoàn toàn có khả năng đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu trên toàn quốc thông qua hệ thống vận chuyển lạnh.

Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giúp tiết kiệm quỹ BHYT

Theo ước tính của Alive & Thrive và Viện Chiến lược chính sách y tế, nếu toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân được sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng theo chỉ định, mỗi năm quỹ BHYT sẽ tiết kiệm được 76,7 tỉ đồng hàng năm từ việc giảm chi phí điều trị các bệnh lý như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết sơ sinh, loạn sản phế quản phổi, bệnh võng mạc mắt, giảm thời gian điều trị nội trú, giảm thời gian nuôi ăn tĩnh mạch. Trong khi đó, nếu BHYT chi trả cho toàn bộ nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, thì chi phí quỹ BHYT cần thanh toán chỉ là 30,8 tỉ đồng hàng năm, tương đương 0,46% quỹ.

vt_sua me 3.png
Ông Đoàn Quốc Dân - Vụ BHYT Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo

Theo số liệu của hệ thống ngân hàng sữa mẹ Việt Nam, từ khi mạng lưới được thiết lập, bà mẹ nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ. Các ngân hàng sữa mẹ đều đã hoạt động trên nguyên tắc thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ, không nhằm thay thế sữa mẹ đẻ.

Dự thảo hướng dẫn chỉ định sử dụng sữa do Bộ Y tế đang được xây dựng rất minh bạch, chặt chẽ, và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Do đó, trẻ chỉ tạm thời sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng trong thời gian ngắn, sau đó tỷ lệ trẻ quay trở lại bú mẹ hoàn toàn tăng rõ rệt. Như vậy, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng không chỉ có lợi ích kinh tế dài lâu cho gia đình trẻ và quỹ BHYT mà còn có lợi ích lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.

WHO phân loại sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người, tương tự như máu, huyết tương và mô cầu. Hiện tại, danh mục chi trả của BHYT tại Việt Nam đã bao gồm máu và các chế phẩm của máu, nhưng chưa có quy định về chi trả cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

vt_sua me 2.png
Quang cảnh hội thảo

Trên thế giới, đã có 25 quốc gia có hệ thống ngân hàng sữa mẹ có chính sách chi trả BHYT cho sữa mẹ hiến tặng thanh trùng. Trong số năm quốc gia Đông Nam Á có ngân hàng sữa mẹ, Myanmar, Singapore và Thái Lan đã đưa sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vào danh mục bảo hiểm chi trả; chỉ còn Philippines và Việt Nam chưa quy định nội dung này.