Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Nghị quyết 100 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin biện pháp ngăn chặn trên Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, Nghị quyết này quy định đối tượng phải nộp phí là các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn trên Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng phục vụ cho hoạt động công chứng các hợp đồng, giao dịch. Mức thu là 5.000 đồng mỗi hợp đồng, giao dịch và cơ quan thu phí là Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng.
Ba trường hợp không thu phí gồm: Cơ quan có thẩm quyền tra cứu thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Tổ chức hành nghề công chứng thực tra cứu thông tin trên Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng phục vụ mục đích thống kê, báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Tổ chức hành nghề công chứng thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch không liên quan đến tài sản và không tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn trên Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng.
Từ 1/1/2023, các tổ chức hành nghề công chứng khi tra cứu thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn trên Cơ sở dữ liệu công chứng sẽ phải nộp phí khai thác, sử dụng. (Ảnh minh họa: Sở TT&TT Đà Nẵng cung cấp) |
Nghị quyết 100 của Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng nêu rõ, Sở Tư pháp được để lại 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí phục vụ công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy trì, kiểm tra, đảm bảo an toàn - an ninh hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng; 40% còn lại được nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng là tập hợp dữ liệu có được từ các thông tin ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn và hông tin hợp đồng, giao dịch tại các tổ chức hành nghề công chứng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý trong việc công chứng hợp đồng, giao dịch, phòng ngừa rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trong đó, thông tin ngăn chặn là thông tin do các cơ quan có thẩm quyền ban hành đúng hình thức văn bản theo quy định gửi Sở Tư pháp để nhập vào Hệ thống, là cơ sở để các công chứng viên kiểm tra, đối chiếu, xem xét quyết định không thực hiện việc công chứng hợp đồng, giao dịch.
Thông tin giải tỏa ngăn chặn là thông tin do chính cơ quan đã có văn bản ngăn chặn trước đây ban hành văn bản theo đúng hình thức quy định để chấm dứt việc ngăn chặn đó. Văn bản giải tỏa ngăn chặn của cơ quan có thẩm quyền được gửi đến Sở Tư pháp để cập nhật vào Hệ thống, là cơ sở để các công chứng viên kiểm tra, đối chiếu, xem xét quyết định thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch về tài sản đã được giải tỏa ngăn chặn.
Hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 26/3/2018. Quá trình vận hành đòi hỏi hàng năm phải duy trì, bảo dưỡng, nâng cấp thường xuyên để đảm bảo hoạt động thông suốt.
Theo UBND thành phố Đà Nẵng, quy định mức thu phí khai thác, sử dụng thông tin biên pháp ngăn chặn trên hệ thống CSDL công chứng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thu phí, tạo nguồn kinh phí và giảm tải cho ngân sách nhà nước trong việc quản lý, khai thác, vận hành, bảo dưỡng hệ thống CSDL công chứng.
Bởi lẽ, nguồn phí thu được từ khai thác, sử dụng dữ liệu sẽ được chi cho công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng, duy trì, kiểm tra, đảm bảo an toàn – an ninh hệ thống CSDL công chứng, chi phí dịch vụ lưu trữ server, chi phí cho công tác thu phí và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 120 năm 2016 của Chính phủ.
Theo Vietnamnet