Viễn thông là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất trên thế giới bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thậm chí ngay trong thời điểm đại dịch bùng phát mạnh mẽ nhất ở Trung Quốc, nhà mạng nước này còn nhanh chóng triển khai 5G để hỗ trợ truy vết và điều trị bệnh nhân.
Từ nhiều năm qua, thị trường viễn thông Việt Nam vẫn là thế cạnh tranh "chân vạc" của 3 nhà mạng lớn. Liệu năm 2021 có chứng kiến sự thay đổi quan trọng nào? VietTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Đào Trung Thành để có một cái nhìn tổng quan về vấn đề này.
PV: Thưa ông, là một chuyên gia 20 năm trong ngành Viễn thông-CNTT và một nhà tư vấn chiến lược, ông đánh giá thế nào về ngành Viễn thông Việt Nam năm 2020 vừa qua?
ông Đào Trung Thành: Có thể tóm tắt tắt trong một từ: thành công!
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, năm vừa qua ngành Viễn thông vẫn phát triển, thậm chí doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2020 tăng trưởng nhẹ (hơn 0.3% so với năm 2019) với 130.280 tỷ đồng đồng doanh thu. Thuê bao băng rộng (cố định và di động) có sự tăng trưởng ấn tượng, bình quân giai đoạn tăng trưởng 15%/năm (băng rộng cố định), 22%/năm (băng rộng di động) và tiếp tục duy trì đà tăng ổn định.
Các doanh nghiệp viễn thông cũng tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; tặng dung lượng data cho khách hàng cài đặt ứng dụng Bluezone,... góp phần nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời phục vụ tốt công tác điều hành chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan.
Việt Nam đã hoàn tất việc tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog) và chính thức hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất góp phần hoàn thành các mục tiêu: Chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc với gần 100 triệu dân; Giải phóng 112MHz trên băng tần 700MHz là băng tần có độ phủ sóng tốt nhất hiện nay cho thông tin di động 5G toàn quốc; Mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất đến tất cả 63 địa phương trên toàn quốc (tương đương với 80% dân số) xuống đến nhiều huyện, xã, thôn, bản; các Đài Phát thanh truyền hình địa phương đã được tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hóa tập trung vào sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.
Các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, MobiFone, VNPT) thử nghiệm thương mại mạng và cung cấp dịch vụ 5G tại một số thành phố lớn như Hà nội, TP. Hồ Chí Minh góp phần vào việc đưa Việt Nam là một trong những nước triển khai 5G sớm nhất trên thế giới.
Doanh thu dịch vụ Viễn thông (Nguồn ICTvietnam) |
Việt Nam cũng được quốc tế đánh giá cao về thành tựu viễn thông-CNTT. Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020 được Liên Hợp Quốc công bố ngày 10/7/2020, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, tăng 02 bậc so với năm 2018, trong đó Chỉ số Hạ tầng viễn thông tăng mạnh 31 bậc. Theo diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 10 bậc về chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên 67). Trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT&TT đóng vai trò hết sức quan trọng vào thành tích trên khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.
PV: Từ khóa cho năm 2021 của ngành Viễn thông Việt Nam là gì thưa ông?
ông Đào Trung Thành: “Chuyển đổi số” được Bộ Thông tin và Truyền Thông chọn là chủ đề năm 2020. Tại Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam năm 2020 ngày 14/12, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, hồi tháng 3/2020 trên toàn bộ không gian mạng, số lượt đề cập có chứa từ khóa “Chuyển đổi số” chỉ khoảng 3.000 lượt thì đến tháng 11/2020 đã có 30.000 lượt.
Một hoàn cảnh khách quan là do sự bùng nổ của dịch COVID-19 với việc giãn cách xã hội và sự khuyến khích làm việc tại nhà cũng như sử dụng các công cụ CNTT, sự dịch chuyển của chúng ta từ không gian thực lên không gian số ngày càng gia tăng, góp phần thúc đẩy “Chuyển đổi số”.
Bên cạnh chủ đề “Chuyển đổi số” này là một chủ đề cũng hấp dẫn không kém là “5G”. Chuyển đổi số là một chiến lược quan trọng của quốc gia và 5G được coi là xương sống của chiến lược này. 5G không chỉ mang lại tốc độ kết nối di động cao hơn, mạnh hơn mà xa hơn sẽ mở ra sự kết nối hạ tầng số đáp ứng các nhu cầu xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam trong tương lai.
Ông Alexander H.Rogers - Phó Chủ tịch điều hành, Tập đoàn Qualcomm, Mỹ cho rằng: "5G là nền tảng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Cam kết thúc đẩy chuyển đổi từ 4G sang 5G của chính phủ Việt Nam sẽ mang lại lợi ích đáng kể cùng các điều kiện để Việt Nam tăng trưởng, phát triển trong tương lai.”
PV: Mức độ cạnh tranh trong ngành, theo ông sẽ như thế nào?
ông Đào Trung Thành: Từ chục năm nay, thị trường Viễn thông đã hình thành thế “chân vạc”, là môi trường cạnh tranh của ba "tay chơi" chủ chốt gồm Viettel, VNPT và MobiFone, chiếm 96% thị phần Viễn thông. Vẫn chưa có nhân tố mới nào xuất hiện, đe dọa vị thế của ba nhà khai thác dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam này.
Trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động, hiện vẫn dựa chủ yếu vào các loại hình dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm hơn 54% doanh thu dịch vụ viễn thông di động) trong khi những dịch vụ này đã ở vào trạng thái bão hoà (ARPU thấp). Doanh thu dữ liệu chỉ đạt 34% tổng doanh thu dịch vụ viễn thông di động (trung bình thế giới đạt trên 43%). Các “nhà mạng” đang tích cực tìm kiếm nguồn doanh thu mới trong bối cảnh suy giảm doanh thu truyền thống, ước tính giảm 8% hàng năm.
Với việc triển khai thử nghiệm kinh doanh 5G ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, có thể nói dịch vụ 5G là một địa hạt cạnh tranh mới của các nhà khai thác viễn thông trong những năm sắp tới. Theo dự báo nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco, đến năm 2025, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,3 triệu. Việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025.
Viettel bằng việc thay đổi logo và slogan đầu năm nay mong muốn thực hiện sứ mệnh mới "Tiên phong kiến tạo xã hội số" và thực hiện chuyển đổi từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số. Chiến lược mới của Viettel hình thành 6 nền tảng chủ đạo của một xã hội số gồm: Hạ tầng số; Giải pháp số; Nội dung số; Tài chính số; An ninh mạng và Nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025 |
VNPT tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột trong chuyển đổi số quốc gia thông qua việc chủ động tham gia và trở thành đơn vị nòng cốt dẫn dắt các chương trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số cũng như chuyển đổi xã hội số. VNPT đã tham gia triển khai các dự án cốt lõi như Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia kết nối 95 đơn vị Bộ, ngành địa phương và 63 tỉnh/thành phố với Chính phủ. Về kinh tế số, VNPT đã tham gia thúc đẩy nhanh chuyển đổi số doanh nghiệp từ các tập đoàn kinh tế nhà nước tới doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tích cực, chủ động tổ chức, tham gia các hội nghị chuyển đổi số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, xây dựng tuyên truyền và nâng cao nhận thức về khung chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ. VNPT cũng đã tham gia sâu vào chuyển đổi số các ngành kinh tế trọng tâm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch thông minh.
MobiFone đặt mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới đây đã ban hành quyết định phê duyệt nhằm hướng đến xây dựng và phát triển Mobifone thành tổng công ty nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả và bền vững; là doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới, áp dụng công nghệ mới với các phương thức kinh doanh đa dạng hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn; đáp ứng yêu cầu đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình quản trị, quản lý trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, có cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin - nội dung số; triển khai nhanh và có hiệu quả lộ trình chuyển đổi từ doanh nghiệp khai thác hệ thống truyền thông sang doanh nghiệp số...
PV: Những gợi ý về chiến lược cần thực thi trong năm nay?
ông Đào Trung Thành: Các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0 theo khuyến nghị của bộ TT&TT, trong đó chú ý kết hợp hài hòa giữa tập trung và phân tán. Các tổ chức, doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ (as a service), thông qua việc sử dụng các nền tảng (Platform as a Service-PaaS), hạ tầng (Infrastructure as a Service-IaaS), phần mềm (Software as a Service- Saas).
Nâng cao nhận thức của mọi người dân. Công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập. Nghĩa là các thiết bị đầu cuối như điện thoại thông minh, các dịch vụ cần giá thành rẻ, dễ sử dụng và mang lại tiện ích cho mọi người. Kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng cần được chú trọng để tạo môi trường an toàn., lành mạnh cho mọi người tham gia.
Bộ TT&TT đã xây dựng một chương trình lớn: Make in Viet Nam. Đây là một khẩu hiệu hành động, là thúc giục tinh thần thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam nhằm chuyển nước ta từ một nước làm gia công phần mềm, lắp ráp chi tiết sang xây dựng và phát triển sản phẩm công nghệ hoàn chỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần bắt tay nhau nhưng phải có sự phân vai rõ ràng. Các tập đoàn công nghệ lớn với nguồn lực mạnh tập trung phát triển hạ tầng và các nền tảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo.
Cần tái cấu trúc thị trường viễn thông Việt Nam bằng những nhân tố cạnh tranh mới để thúc đẩy phát triển, thúc đẩy các doanh nghiệp nội dung để có những đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng, chuyển đổi mạnh cơ cấu dịch vụ.
PV: Những dự đoán của ông liệu có chắc chắn không?
ông Đào Trung Thành: Một điều tôi chắc chắn là không có gì chắc chắn trong thế giới này. Tôi cũng thường hay dự báo. Trong 8 dự đoán thị trường Viễn thông 2016 mà tôi đưa ra thì 5 dự báo đúng, 3 dự báo sai. Thế giới đang biến động theo hàm mũ do tốc độ biến đổi của công nghệ. Do đó những dự báo hầu như khó chính xác. Vừa rồi tôi có xem một dự báo năm 2021 của Scott Galloway, GS chuyên về marketing và kinh doanh nổi tiếng trường Đại học New York University trong đó ông điểm lại những dự báo năm 2020 của mình thì đa phần 80% là sai. Nhưng cũng có vài dự báo đúng. Và như vậy, những người thực hiện chiến lược theo những dự báo đúng này cũng đủ để thành công trong thị trường biến động rồi.
Không phải dự báo là bất định mà chúng ta lại không làm công tác dự báo hay xem thường công tác này. Dự báo chính là kỳ vọng và suy nghĩ của chúng ta về tương lai và nó là nền tảng cho những hoạch định và hành động của mình. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có thái độ cầu thị, cởi mở và uyển chuyển, nhận phản hồi từ thế giới, môi trường để điều chỉnh chiến lược, nhanh chóng thích nghi, có kế hoạch đối phó linh hoạt./.