Hội đồng quản trị CTCP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel - Mã CK: VTR) vừa thông qua quyết định lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Thời gian thực hiện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8/2019.
Theo đó, ban lãnh đạo Vietravel dự trình cổ đông thông qua việc hủy phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi có giá trị 80 tỷ đồng đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 (diễn ra ngày 20/4/2019).
Thay vào đó, Vietravel dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ gấp nhiều lần quy mô kể trên, lên tới 700 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi. Lô trái phiếu này có mức lãi suất không quá 11%/năm với kỳ hạn 2 năm.
Trong quyết định được công bố, Vietravel không tiết lộ chi tiết về hình thức đảm bảo cho lô trái phiếu nhưng cho biết mục đích phát hành nhằm “bổ sung nguồn vốn của Dự án Vietravel Airlines”. Đây là động thái cho thấy sự quyết tâm gia nhập ngành hàng không của giới chủ tại Vietravel.
Một phần nội dung quyết nghị vừa được HĐQT Vietravel thông qua (Nguồn: Vietravel)
|
Ngay từ đầu năm 2019, dư luận đã không khỏi xôn xao trước việc ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Vietravel - chia sẻ dự định sẽ đầu tư vào hãng hàng không có tên gọi Vietravel Airlines, đặt trụ sở tại Huế.
Tới ngày 19/2/2019, Vietravel đã thành lập công ty con là Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) với quy mô vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, địa chỉ trụ sở chính tại số 17 Lê Quý Đôn, Phường Phú Hội, Tp. Huế. Vị trí Chủ tịch Vietravel Airlines do ông Nguyễn Quốc Kỳ đảm nhiệm.
Chỉ 3 tháng sau đó, quy mô vốn của Vietravel Airlines đã được nâng lên mức 700 tỷ đồng. Trong trường hợp Vietravel phát hành trái phiếu thuận lợi, rất có thể quy mô vốn của Vietravel Airlines sẽ được nâng lên gấp 2 lần, tức 1.400 tỷ đồng.
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 8, Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng, với quy mô vốn được bổ sung thêm, Vietravel Airlines được phép khai thác trên 30 tàu bay (nếu có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế).
Vietravel Airlines sẽ xin “giấy phép bay” ra sao?
Tương tự trường hợp của Vinpearl Air mới đây, Vietravel Airlines cũng đăng ký ngành nghề chính là “Vận tải hành khách hàng không”.
Song, cần lưu ý rằng, trong lĩnh vực hàng không, ngành nghề trong đăng ký kinh doanh không có nhiều ý nghĩa. Để trở thành một hãng hàng không thực sự, bên cạnh đáp ứng tiêu chí về vốn, Vietravel Airlines phải có “Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không” và “Chứng chỉ nhà khai thác bay” (AOC).
Căn cứ theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp sẽ thực hiện trình hồ sơ thành lập hãng hàng không lên chính quyền địa phương. Hồ sơ sau đó sẽ được trình lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc cấp phép kinh doanh vận tải hàng không dân dụng đều thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Và hãng hàng không này đang tích cực đẩy mạnh những bước đi “đúng quy trình” nêu trên để có được “giấy phép bay”.
Theo Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế, vào chiều ngày 11/6/2019, đại diện của Vietravel Airlines đã có buổi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và tổ chức trình “hồ sơ thành lập hãng hàng không lữ hành du lịch Việt Nam”.
Chia sẻ tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cho biết dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2020.
“Hãng hàng không được xây dựng gắn với du lịch, cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không trong nước và quốc tế đến các nước trong châu lục, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng không cho Việt Nam và phát triển ngành du lịch lữ hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Đến năm 2020, Hãng hàng không có khả năng tiếp nhận 20 máy bay và 5 triệu hành khách/năm; dự kiến chuyến bay đầu tiên sẽ được triển khai vào ngày 01/01/2020” - ông Vũ Đức Biên cho hay.
Đại diện Vietravel Airlines và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi lễ (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)
|
Điểm mấu chốt để lãnh đạo Vietravel Airlines có phần tự tin hơn trong việc xin cấp “giấy phép bay”, đó chính là việc hãng lựa chọn sân bay căn cứ tại Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Động thái lựa chọn sân bay căn cứ tại các tỉnh được nhiều chuyên gia đánh giá là động thái khôn khéo, đặc biệt là sau trường hợp xin “giấy phép bay” thành công của Bamboo Airways với việc lựa chọn đặt căn cứ tại sân bay Phù Cát (Bình Định).
Hãng hàng không này vượt qua được nhiều cái tên đang “xếp hàng” nhiều năm trước đó như Hải Âu, Vietstar Airlines…Trong đó, Vietstar Airlines đã 2 lần nộp hồ sơ để được cấp phép nhưng đều bị nhà chức trách từ chối. Cả 2 lần, hãng này đều chọn đặt căn cứ tại sân bay Tân Sơn Nhất - vốn đang trong tình trạng quá tải./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu