Trao đổi với VietTimes, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - xác nhận mới thực hiện ký cấp Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay (AOC) cho CTCP Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Vietstar Airlines).
Đây là 2 dòng máy bay phản lực thương gia. Trong đó, Embrear Legacy 600 có tầm bay thẳng lên đến 8 giờ trong bán kính khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Còn Beechcraft King Air B300 là tàu bay cánh quạt hiện đại, có tốc độ cao, với 8 ghế du lịch.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, tàu bay của Vietstar Airlines đã được sản xuất khá lâu. Chẳng hạn như chiếc Embraer (số hiệu đăng ký: VN-A268) có năm xuất xưởng là 2008 và được Vietstar Airlines nhập khẩu về vào giữa năm 2018. Bên xuất khẩu là Mariebo Aviation Asia Pte Ltd (Singapore).
Thông tin Cục Hàng không cấp AOC cho Vietstar Airlines khiến thị trường xôn xao về việc thị trường vận tải hàng không dân dụng Việt Nam sẽ có một nhà khai thác mới, cạnh tranh với các tên tuổi cựu trào như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways. Tuy nhiên thực tế lại không hẳn vậy.
“Cần phải phân biệt rõ trường hợp của Vietstar Airlines với việc cấp phép cho một hãng hàng không vận tải hành khách như với Bamboo Airways” - ông Cường lưu ý.
"Gia hạn" giấy phép cũ cho Vietstar Airlines?
Theo tìm hiểu của VietTimes, Vietstar Airlines mới chỉ được cấp “Giấy phép kinh doanh hàng không chung” từ năm 2011 theo Quyết định số 2424 của Cục Hàng không Việt nam.
Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Vietstar Airlines.
|
Cụ thể, Vietstar Airlines được phép thực hiện hoạt động hàng không chung vì mục đích thương mại quốc tế, nội địa, bao gồm: (1) Bay du lịch, tham quan ngắm cảnh, phục vụ lĩnh vực giải trí, biểu diễn; (2) Bay cấp cứu, quay phim, chụp ảnh, địa hình, khảo sát địa chất, cứu hộ, cứu nạn.
Sau nhiều năm hoạt động, Vietstar Airlines vẫn chưa được cấp AOC và chưa bắt đầu khai thác trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày cấp phép kinh doanh.
Do đó, Vietstar Airlines có nguy cơ bị hủy bỏ Giấy phép kinh doanh hàng không chung căn cứ theo Nghị định số 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Thực tế ghi nhận, không chỉ riêng Vietstar Airlines, có khá nhiều doanh nghiệp đã được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép “kinh doanh vận chuyển hàng không chung” như: Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH), CTCP Hàng không Hải Âu, CTCP Hàng không chung Bầu Trời Xanh (Blue Sky)....
Việc được cấp AOC mới chỉ là chỉ dấu cho thấy Vietstar Airlines vừa được Cục Hàng không Việt Nam “gia hạn” giấy phép kinh doanh hàng không chung. Còn để được thực sự tham gia "cuộc chơi" hàng không với Bamboo Airways, Vietnam Airlines hay Vietjet Air thì Vietstar Airlines vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Vietstar Airlines đã có AOC (ảnh phải) nhưng để trở thành một hãng hàng không thực sự họ cần phải có "Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không" (ảnh trái là Giấy phép mà Bộ GTVT đã cấp cho Bamboo Airways) - mà điều này thì không dễ. Vietstar Airlines đã nỗ lực trình hồ sơ nhưng đã hai lần bị từ chối.
|
Không phủ nhận tham vọng "chia phần" thị trường vận tải hàng không của Vietstar Airlines nhưng phải khẳng định rằng việc này là không dễ, nếu không muốn nói là rất khó. Trao đổi với VietTimes, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường cho biết, Vietstar Airlines đã hai lần trình hồ sơ xin Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không lên Chính phủ, nhưng đều đã bị từ chối.
Cả hai lần, Vietstar Airlines đều đề xuất đặt căn cứ (base) tại cảng hàng không Tân Sơn Nhất - sân bay đang bộc lộ nhiều dấu hiệu quá tải trong thời gian gần đây.
Đáng nói, Vietstar Airlines cũng không phải là cái tên duy nhất đang chờ để được trở thành một hãng hàng không đúng nghĩa.
Danh sách "xếp hàng" còn hàng loạt cái tên khác như Vietravel Airlines, Thiên Minh, Air Asia,.. và tất nhiên là cả Vinpearl Air. Bất chấp cơ hội gia nhập thị trường là rất "hẹp" - nếu chiếu đến quy hoạch ngành và cả năng lực đáp ứng hạ tầng hiện có!
Đối với việc cấp “Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không” - giấy phép được coi là quan trọng nhất để trở thành một hãng hàng không đúng nghĩa - trường hợp được ghi nhận gần đây nhất vẫn là Hàng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways). Giấy phép của hãng được ký bởi Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 110 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (2006). Trong đó, giấy phép kinh doanh vận chuyển của Bamboo Airways ghi rõ, hãng sẽ được vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý, bưu gửi và được khai thác các chuyến bay quốc tế, nội địa. Sau khi vượt được “cửa ải” khó khăn nhất, Bamboo Airways đã gấp rút hoàn thiện một sổ thủ tục khác để chính thức bắt đầu khai thác, vận chuyển hành khách với mục đích thương mại vào đầu năm 2019. Để có được giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Bamboo Airways đã phải mất nhiều năm chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục với ban ngành liên quan./. |