Đồng phục, niên hạn taxi: Địa phương có được phép ban hành?

Liệu chính quyền địa phương có đủ thẩm quyền để đưa ra các quy định như xe taxi phải có niên hạn không quá 8 năm tính từ ngày sản xuất hay toàn bộ các xe taxi phải có màu sơn chung?
Ảnh minh họa: Vnexpress
Ảnh minh họa: Vnexpress

Liên quan đến dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thành phố, dự kiến phê duyệt trong năm 2017 của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội và các hãng taxi tỏ ra băn khoăn và lo lắng về nhiều điểm.

Dự thảo đưa ra nhiều quy định cụ thể về quản lý khai thác vận tải hành khách bằng taxi như xe taxi phải có niên hạn không quá 8 năm tính từ ngày sản xuất.

Một điểm đáng lưu ý khác trong dự thảo này là việc tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi theo vùng (vùng 1 bao gồm địa giới hành chính các quận trên địa bàn thành phố, vùng 2 gồm địa giới hành chính tại các huyện thị xã còn lại của Hà Nội).

Các xe taxi hoạt động tại vùng 2 khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng 1 chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.

Tại dự thảo, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng đưa ra từ ngày 1/7/2018, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải sử dụng phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi (đặt/gọi taxi). Dữ liệu phần mềm hỗ trợ điều hành xe taxi được kết nối với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên xe taxi và kết nối với dữ liệu phần mềm điều hành chung của trung tâm quản lý điều hành giao thông thành phố.

Các doanh nghiệp taxi đã đưa ra nhiều lập luận bày tỏ không đồng tình với các quy định này.

Theo ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, việc quy định lấy địa giới hành chính để phân vùng phục vụ đối với xe taxi là không khả thi bởi thực tế việc phân định địa giới hành chính giữa các quận, huyện là điều khó khăn, lái xe không phải lúc nào cũng có thể phân biệt được để phục vụ.

“Việc phân vùng phục vụ sẽ càng làm tăng số km rỗng hay không khi các xe ở vùng 1 chở khách sang vùng 2 lại phải quay về vùng 1 để hoạt động. Đi liền với đó, các doanh nghiệp phải tăng bộ máy quản lý, giám sát sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh,” ông Bình phân tích sâu.

Đại diện Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc đưa quan điểm, quy định của dự thảo phải dùng chung tổng đài chẳng khác nào "cha chung không ai khóc". Các hãng kinh doanh tốt và kém bị "đánh đồng" như nhau, điều đó triệt tiêu cạnh tranh, làm giảm quyền lợi của người tiêu dùng và có nguy cơ quay lại thời bao cấp.

Về ý tưởng xe taxi “khoác một đồng phục” màu sơn, nhiều hãng taxi bày tỏ quan điểm phản đối khi lo mất thương hiệu vốn đã gây dựng bao năm và ăn sâu vào tiềm thức từng hành khách để chọn lựa phương tiện của từng hãng.

Tuy nhiên, có một điều hết sức quan trọng mà lãnh đạo các doanh nghiệp vẫn chưa nói đến. Đó là liệu Hà Nội có đủ thẩm quyền để quy định các nội dung trên đây không?

Theo Luật Đầu tư năm 2014, chỉ có các văn bản luật, pháp lệnh và nghị định mới được quy định các điều kiện kinh doanh, các bộ, địa phương tuyệt đối không được phép ban hành điều kiện kinh doanh.

Theo khoản 2 điều 9 Nghị định 118 năm 2015 của Chính phủ, điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo một hoặc một số hình thức sau đây: a) Giấy phép; b) Giấy chứng nhận đủ điều kiện; c) Chứng chỉ hành nghề; d) Chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; đ) Văn bản xác nhận; e) Các hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật không được quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này; g) Các điều kiện mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận, chấp thuận dưới các hình thức văn bản quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này.

Trên thực tế, nhiều quy định tại dự thảo của Sở GTVT Hà Nội đưa ra thực chất là nhắc lại các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn quy định về tuổi thọ taxi, đây là nội dung trong Nghị định 86 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô.

Theo Nghị định này, taxi chỉ có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.  Thế nhưng, hiện nay Bộ GTVT đang đề xuất sửa đổi Nghị định này với nhiều điểm mới, trong đó quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm. Nếu dự thảo của Sở GTVT chỉ nhắc lại các quy định trong Nghị định thì không cần thiết, còn nếu dự thảo quy định khác với Nghị định thì rõ ràng là không đúng thẩm quyền.

Trước khi xem xét tính khả thi, cần thiết và hợp lý của các quy định trong dự thảo, có lẽ trước hết cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính phù hợp của các quy định nói trên với Luật Đầu tư.

Theo VGP News
http://canhtranhquocgia.vn/Box-canh-tranh/Dong-phuc-nien-han-taxi-Dia-phuong-co-duoc-phep-ban-hanh/313402.vgp