Nhà chức trách hàng không Việt Nam cho biết chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam trong chuyến thăm chính thức diễn ra 3 ngày từ 23 đến 25-5 vẫn phải làm các thủ tục xin cấp phép bay.
Theo quy định của Luật Hàng không Việt Nam, Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao là cơ quan thực hiện cấp phép bay cho các chuyến bay chuyên cơ nước ngoài chở khách mời của Đảng, Nhà nước và các chuyến bay làm nhiệm vụ hộ tống hoặc tiền trạm cho chuyến bay chuyên cơ đó thực hiện hoạt động bay dân dụng tại Việt Nam. Trước khi thực hiện các chuyến bay, Đại sứ quán các nước phải có đơn đề nghị cấp phép bay gửi tới Cục Lãnh sự.
Để phục vụ cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama, từ cuối tháng 4 đến ngày 22-5, đã có vài chục chuyến bay tiền trạm của Mỹ đến Việt Nam để thực hiện các công đoạn chuẩn bị cho chuyến thăm.
Trong ngày 23-5, dự kiến có 4 máy bay chuyên cơ của Mỹ đến Việt Nam, bao gồm chuyên cơ Air Force One (Không lực 1) chở Tổng thống Obama, chuyên cơ chở Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chuyên cơ chở các thành viên đi theo đoàn.
Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Obama dự kiến hạ cánh xuống sân bay Nôi Bài vào rạng sáng ngày 23-5 - Ảnh minh họa
Để “dọn đường” đón chuyến bay của Không lực 1 chở Tổng thống Obama đến Việt Nam vào rạng sáng ngày 23-5, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam có trách nhiệm phát điện văn thông báo về việc hạn chế khai thác tại sân bay quốc tế Nội Bài về kế hoạch khai thác chuyên cơ để phi công của các chuyến bay thương mại khác và những người có liên quan đến hoạt động bay cần biết để kịp thời xử lý.
Theo quy trình phục vụ chuyên cơ, 3 tiếng trước khi chuyên cơ đáp xuống sân bay Nội Bài, dưới mặt đất phải hoàn thành công tác kiểm tra tình trạng kỹ thuật của các hệ thống thiết bị bảo đảm hoạt động bay chính và dự phòng. Riêng đường băng phải kết thúc việc kiểm tra đảm bảo an toàn từ 30-45 phút trước thời gian dự kiến chuyên cơ hạ cánh. Các công việc kiểm tra này phải được thể hiện bằng văn bản và lưu trữ tại các đơn vị có liên quan.
Khi có thông báo hạn chế khai thác, người và các phương tiện không phục vụ chuyến bay của chuyên cơ đang hoạt động ở khu vực liện quan đến chuyên cơ phải tạm ngừng hoạt động. 5 phút trước khi chuyên cơ hạ cánh, đường băng sẽ được dành riêng để đón chuyến bay này. Sau khi chuyên cơ đã hạ cánh và ra khỏi đường băng, lúc đó đường băng mới được hoạt động trở lại bình thường và dành riêng đường lăn, khu vực sân đỗ đã được xác định để phục vụ chuyên cơ. Đường lăn chỉ được phép trở lại hoạt động bình thường sau khi máy bay chuyên cơ đã lăn vào khu vực sân đỗ.
Lực lượng an ninh sân tại bay Nội Bài đang phối hợp tốt với an ninh Mỹ - Ảnh: VNE
Tuy nhiên, theo đề nghị của Nhà Trắng, quy trình phục vụ chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Obama đến Việt Nam rạng sáng 23-5 sẽ có rất nhiều thay đổi nhằm siết chặt an ninh. Thời gian ưu tiên đón Air Force One sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với quy định. Những người không được phân công nhiệm vụ dứt khoát không được vào khu vực đón chuyên cơ Tổng thống.
Đặc biệt, nhà chức trách hàng không Việt Nam yêu cầu những người đang thực hiện công vụ không được làm việc sai vị trí, tuyệt đối không được có các hành vi sai quy định.
Bên cạnh trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối đón chuyên cơ của Tổng thống Mỹ của phía Việt Nam, Nhà Trắng cũng yêu cầu đặc vụ Mỹ được tham gia vào hầu hết các công đoạn, bao gồm từ việc lập các chốt canh gác phương tiện, vật tư, khí tài, khu vực dành riêng cho chuyên cơ ở sân bay đến kiểm tra lý lịch, hồ sơ của các nhân viên lái xe tra nạp nhiên liệu cho các máy bay của Mỹ. Theo hợp đồng, Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) là đơn vị cung ứng nhiên liệu cho đội máy bay của Tổng thống Mỹ tại cả 2 sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Trong quá trình diễn ra sự kiện, Nhà Trắng cũng thiết lập ngay tại sân bay một hệ thống thông tin liên lạc độc lập hoàn toàn về thiết bị và quy trình vận hành, chỉ có một số tần số đặc biệt có thể được kết nối với hệ thống của Việt Nam khi liên quan đến những vấn đề quan trọng trong điều hành bay, dẫn tàu bay, quét radar và công tác phối hợp an ninh…
Theo NLĐ