Doanh nghiệp kiến nghị coi hệ sinh thái nội dung số là ngành trọng điểm

VietTimes -- Hệ sinh thái nội dung số cần được coi là một ngành trọng điểm cần được quan tâm, hỗ trợ. Việc Chính phủ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái nội dung số cũng là để bảo vệ chủ quyền thông tin của Việt Nam, tạo ra các cơ hội về kinh tế, việc làm, xuất khẩu nội dung.
Doanh nghiệp kiến nghị coi hệ sinh thái nội dung số là ngành trọng điểm
Doanh nghiệp kiến nghị coi hệ sinh thái nội dung số là ngành trọng điểm

Kiến nghị này được nêu tại giao ban công tác truyền thông xã hội lần thứ 7 năm 2017, do Bộ TT&TT tổ chức ngày 7/7 vừa qua tại TP.HCM.

Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có gần 1.600 trang thông tin điện tử, 300 mạng xã hội được cấp phép hoạt động.

Đánh giá về hoạt động của các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ông Nguyễn Thanh Lâm – Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT – nhận xét, truyền thông xã hội “đã có nhiều hoạt động tích cực, góp phần truyền tải thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong và ngoài nước đến cộng đồng người dùng internet. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều cá nhân, tổ chức khởi nghiệp thành công”.

Về xử lý, qua làm việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, YouTube đã gỡ bỏ 3.000 clip có nội dung xấu, độc hại, Facebook xóa 600 tài khoản, trong đó có 106 tài khoản giả mạo,  394 tài khoản kinh doanh trái phép, 132 tài khoản bôi nhọ, xuyên tạc cá nhân, tập thể. Hãng Apple cũng đã xóa 6 game không phép và 4 game khác đang được cơ quan quản lý xem xét.

Về hiệu quả kinh tế, theo ông Lâm, thị phần quảng cáo trên mạng tại Việt Nam đang dần rơi vào tay 3 doanh nghiệp là YouTube, Google và Facebook, với tỷ lệ nắm giữ từ 60% đến 70% doanh thu quảng cáo. Các trang tin điện tử, báo điện tử chỉ chiếm phần nhỏ còn lại.

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, dù rất phát triển trong thời gian qua, nhưng truyền thông xã hội vẫn còn những mặt hạn chế. Cụ thể, có doanh nghiệp hiện dựa vào hệ thống quản lý tự động, đồng thời lại chạy theo câu view quảng cáo nên chưa bố trí nhân sự kiểm duyệt. Từ đó, xảy ra tình trạng thông tin tiêu cực, thông tin bôi nhọ đời tư cá nhân, vi phạm bản quyền xuất hiện dày đặc, phổ biến, gây bức xúc cho xã hội.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, đại diện Công ty CP VCCorp – sau khi Bộ TT&TT - có tác động tới các doanh nghiệp như Youtube, đã có các tín hiệu vui về doanh thu quảng cáo của các doanh nghiệp trong nước. Ông Tân dự kiến doanh thu quảng cáo có thể sẽ tăng trong quý 3/2017.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh có liên quan đến các mạng Google, Facebook thì chưa quan sát được tác động. Mặt khác, mảng nội dung của các doanh nghiệp Việt đang bị các nền tảng mạng như Youtube, Facebook cạnh tranh rất mạnh. “Xâm lấn” là từ ông Tân dùng để chỉ nguy cơ này.

Về quy mô cụ thể của nguy cơ, ông Tân cảnh báo toàn bộ hệ sinh thái nội dung số của doanh nghiệp trong nước đang có nguy cơ bị tiêu diệt hoặc biến thành người làm thuê, các hệ thống của Việt Nam sẽ không thể phát triển, và xa hơn là sẽ mất chủ quyền thông tin.

Do đó, ông Tân đề nghị, Bộ TT&TT nên kiến nghị với Chính phủ coi hệ sinh thái nội dung số là một ngành trọng điểm cần được quan tâm, hỗ trợ. Việc Chính phủ hỗ trợ phát triển hệ sinh thái nội dung số cũng là để bảo vệ chủ quyền thông tin của Việt Nam, tạo ra các cơ hội về kinh tế, việc làm, xuất khẩu nội dung.

Nhấn mạnh việc doanh nghiệp chỉ cần tháo gỡ cơ chế, không cần tiền của Nhà nước, ông Tân đề nghị Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp xây dựng đề án phát triển nội dung số Việt Nam, triển khai các đề án thử nghiệm để giảm bớt các vướng mắc với quy định cũ.

Về lâu dài, Bộ TT&TT nên cho phép một website có nhiều dịch vụ, không nên cấm như hiện nay, đồng thời rà soát điều chỉnh các quy định không còn phù hợp với thực tế quản lý.

Ý kiến này cũng được nhiều doanh nghiệp tham dự giao ban đồng tình. Quan điểm của doanh nghiệp đề nghị Bộ nên kiến nghị Chính phủ có giải pháp ngăn chặn một phần, hoặc toàn bộ sự xâm nhập của các nền tảng mạng nước ngoài theo kinh nghiệm của một số nước như Trung Quốc, Nga, Trung Đông…

Đồng thời, doanh nghiệp trong nước đề nghị Chính phủ nên yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới như Google, Facebook tuân thủ pháp luật bản địa. Đồng thời áp dụng các cách quản lý như Anh, EU đã áp dụng như buộc các doanh nghiệp nước ngoài/xuyên biên giới phải dùng các cổng thanh toán nội địa, phạt, buộc gỡ bỏ thông tin nếu vi phạm quy định... Từ đó tạo ra sự bình đẳng cho các doanh nghiệp Việt Nam để kinh doanh công bằng hơn.

Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đã yêu cầu Vụ pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục PTTH&TTĐT tham mưu đề xuất doanh nghiệp thí điểm, rà soát lại các văn bản cần chỉnh sửa để tạo điều kiện  hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, từng bước xây dựng đề án hệ sinh thái nội dung số phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng Việt Nam, từng bước nâng cao cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.