Ví điện tử: Chọn hệ sinh thái hay công cụ thanh toán?

Các ví điện tử đang linh hoạt thay đổi trong nhiều năm qua, trước sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường này. Tuy nhiên, vẫn chưa có ví nào chiếm lĩnh thị trường, mà chủ yếu mỗi ví phục vụ riêng cho hệ sinh thái mong muốn hướng đến của nhà đầu tư. 
Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là thị trường có nhiều cơ hội trong tương lai.
Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là thị trường có nhiều cơ hội trong tương lai.

Lần lượt trở lại

WebMoney khởi đầu việc trở lại thị trường Việt Nam bằng một chương trình ủng hộ từ thiện. Theo đó, chỉ trong 6 ngày, thông qua phần mềm ứng dụng của WebMoney, cộng đồng đã đóng góp được gần 100 triệu đồng gây quỹ cho Quỹ Hiểu về trái tim, giúp 5 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh cần phẫu thuật.

Qua chương trình này, WebMoney cũng giới thiệu tính năng gửi tiền từ cộng đồng, trong đó người góp tiền có thể thấy được tổng khoản tiền đang quyên góp được là bao nhiêu. Một chức năng khác được quảng cáo nhiều nhưng về bản chất cũng tương tự: đó là gọi vốn cộng đồng cho các dự án khởi nghiệp.

Đây không phải là lần đầu tiên WebMoney xuất hiện ở Việt Nam. WebMoney là phần mềm giao dịch của Nga thực hiện năm 1998, đưa ra thị trường thế giới với mục tiêu làm trung gian thanh toán cho các giao dịch. Năm 2010, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Sứ Trẻ (Yeah1) đã đưa về nhưng chưa đẩy mạnh thương hiệu ra thị trường. Theo ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, CEO WebMoney Việt Nam, đó là vì cơ sở pháp lý khi đó chưa thực sự hoàn chỉnh.

Vi dien tu: Chon he sinh thai hay cong cu thanh toan?

WebMoney trở lại, góp phần làm thị trường ví điện tử Việt thêm sôi động sau khoảng lặng đầu năm, kể từ khi nhận được giấy phép chính thức vào giữa năm ngoái. Trước đó, nhiều ví khác được cấp phép và gây tiếng vang trên thị trường. Đáng kể nhất là thương vụ Standard Chartered Private Equity và  Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào MoMo hồi năm ngoái. Còn có thương vụ Công ty Truyền thông VMG bán 62,25% cổ phần trong ví điện tử VNPT Epay cho nhà đầu tư UTC Investment (Hàn Quốc), hay thương hiệu Vimo của Mobifone, Ví điện tử FPT được cấp phép. Tất cả đều chưa có động thái gì đáng kể và hẳn nhiên khó có thể bỏ qua thị trường Việt Nam.

Theo Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước, hiện có 16 tổ chức không phải là ngân hàng đã được nhận giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử. Tính đến cuối tháng 9.2016, số lượng ví điện tử được phát hành ra thị trường là hơn 3 triệu tài khoản. Chỉ một số ít doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả và có lợi nhuận với một thị trường ngách riêng. 

Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử vẫn gặp nhiều khó khăn nhưng đây là thị trường có nhiều cơ hội trong tương lai. Đặc biệt, tỉ lệ dân số kết nối internet và sử dụng điện thoại thông minh đều trên 40%. Trong khi đó, mức độ “phủ sóng” của các dịch vụ tài chính còn thấp, chỉ có 30% dân số nơi đô thị có tài khoản ngân hàng, trong khi mức trung bình của thế giới là 60%. 

Do đó, ngoài 16 doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường, còn hàng chục doanh nghiệp khác đang chờ nhận giấy phép. Tuy nhiên, khi số lượng ví quá nhiều cho thấy độ loãng của thị trường nên sự sàng lọc mạnh sẽ diễn ra trong thời gian tới. Cuối cùng, ví nào sẽ tồn tại?

Phát triển hệ sinh thái

Ví điện tử trước khi cấp phép thực tế vẫn còn đi theo kiểu “ném đá dò đường”. Trong giai đoạn hiện nay, mỗi ví hầu như đã chọn một lối đi riêng. Trong quá trình này, có thể nhận thấy rõ xu hướng: có ví phát triển công cụ thanh toán dựa trên hệ sinh thái có sẵn; có ví làm ngược lại, tức tập hợp nhiều người bán lại rồi mới đi quảng cáo cho sản phẩm (hay làm song song với nhau).

Vi dien tu: Chon he sinh thai hay cong cu thanh toan?

Điển hình cho phương thức thứ 2 là các loại ví như MoMo. MoMo ra đời với mối quan tâm là chuyển các khoản tiền giá trị nhỏ giữa người dùng và thanh toán dịch vụ tại các điểm giải trí. Trong khi đó, Payoo chọn hướng giải quyết bài toán thanh toán hóa đơn cho các hộ gia đình thông qua các điểm giao dịch vật lý. Gần đây, Payoo cũng bắt tay với Ngân hàng NCB giúp thanh toán các khoản vay ngân hàng qua mạng lưới giao dịch của ví điện tử này.

Dù khác nhau về mục tiêu và sản phẩm nhưng một điểm chung của 2 ví này đều phải làm là thuyết phục các điểm bán chấp nhận phương thức thanh toán mới, rồi thuyết phục khách hàng đang giao dịch ở các điểm bán đó sử dụng công cụ thanh toán của mình.

WebMoney đi ngược lại, phát triển dựa trên hệ sinh thái sẵn có. Ngay cả việc hãng này lấy lại mô hình WebMoney từ bên ngoài cũng là để tận dụng những ưu thế đáng kể của thương hiệu WebMoney trên thị trường thế giới (theo quảng cáo của Hãng là có quy mô thứ 5 trên thế giới). Theo thống kê của WebMoney, Công ty có 74.013 điểm giao dịch, 41.710 điểm chấp nhận thanh toán và gần 35 triệu người sử dụng toàn cầu.

Trong khi đó, công ty đối tác của WebMoney tại Việt Nam cũng sở hữu hệ sinh thái riêng biệt, hoạt động dựa trên nền tảng của Yeah1 với 62 triệu người theo dõi trên YouTube, 28 triệu người theo dõi trên Facebook. Bản thân Yeah1 là đơn vị sản xuất tin bài cho giới trẻ, sở hữu lực lượng độc giả trẻ tuổi đáng kể. Ngoài kênh trực tuyến, WebMoney còn chủ động phát triển kênh ngoại tuyến bằng việc bắt tay với nhà phân phối Mesa (hiện phân phối cho Unilever), đặt mục tiêu cam kết đầu tiên cho cả 2 bên là 10.000 điểm bán hàng sử dụng WebMoney để thanh toán.

Có thể thấy WebMoney đang nhắm đến các đối tượng khác nhau và muốn thâu tóm tất cả vào một phần mềm. Nhóm thứ nhất là người dùng theo nhóm (như kêu gọi một nhóm từ thiện, nhóm khởi nghiệp, nhóm giới trẻ nghệ sĩ ca hát...), thứ 2 là các thương nhân nhỏ lẻ (những người mua bán hàng qua mạng), thứ 3 là dùng thanh toán ở kênh ngoại tuyến thông qua các cửa hàng. 

Ông Tống cho biết WebMoney Việt Nam đang nghiên cứu phát triển hơn 20 tính năng khác, không loại trừ các giao dịch tài chính phức tạp khác. Dường như WebMoney muốn “trói” chặt mọi nhu cầu người dùng vào phần mềm của công ty này. 

Nhu cầu phát triển thành một hệ sinh thái để “trói” người dùng không phải là ý tưởng mới, nhưng không hề dễ làm. Mô hình kinh điển và thành công nhất từ trước đến nay có lẽ là của Apple. Họ không làm tất cả mọi thứ nhưng lại sở hữu một hệ sinh thái khiến người dùng sản phẩm của Apple phải sử dụng “chéo” sản phẩm của Công ty.

Vậy trong mô hình này WebMoney được gì? Mức phí giao dịch khoảng 0,8% cho mỗi giao dịch có vẻ như thấp so với doanh thu, chưa kể mức phí trả cho WebMoney chưa rõ là bao nhiêu, nhưng hẳn nhiên cũng không thấp. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Tống, “một điểm mà WebMoney Việt Nam nhắm đến lại là danh sách khách hàng”.

 Thực ra, công cụ thanh toán dành riêng cho từng hệ sinh thái đã được chủ hệ sinh thái đó để ý và thực hiện từ lâu, nhưng hiệu quả của nó chỉ giới hạn trong nội bộ nên không được chú ý nhiều. Ngoài những ví điện tử truyền thống, đã có nhiều ví điện tử, hay trung gian thanh toán được dựng lên để phục vụ cho hệ sinh thái hơn là đặt nặng vấn đề thị phần. Như cổng thanh toán 123Pay của VNG, VTC365 của VTC (phục vụ nạp thẻ trò chơi và dịch vụ top-up), FPT có kênh bán lẻ cũng sở hữu ví riêng. Đáng chú ý, mỗi năm, Ngân Lượng đã xử lý lưu lượng thanh toán lên đến 5.000-6.000 tỉ đồng, trong đó phần lớn là các giao dịch phục vụ cho dịch vụ của Chợ Điện Tử, game, nội dung số...

Trên thế giới có nhiều dẫn chứng hơn, chẳng hạn như AliPay của Alibaba. Ở Việt Nam, VNG vừa rồi cũng tuyên bố trong thời gian tới sẽ ra mắt ứng dụng thanh toán dựa vào hệ sinh thái mạng xã hội Zalo. Vậy tạo hệ sinh thái trước rồi mới làm công cụ thanh toán hay là ngược lại? Riêng với số lượng ví, ông Nguyễn Thanh Hưng Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử, cho rằng hiện tại trăm ví khoe sắc, song trong tương lai, chỉ còn 1-2 ví chiếm phần vượt trội thị trường. “Các ví đều có cơ hội, điều này phụ thuộc vào khả năng thực thi”, ông Hưng cho biết.

Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư
http://nhipcaudautu.vn/cong-nghe/ict/vi-dien-tu-chon-he-sinh-thai-hay-cong-cu-thanh-toan-3319469/