Trong buổi họp mặt báo chí nhằm phổ biến những nội dung mới của Nghị định 15, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nhận định: Có nhiều nội dung thay đổi trọng tâm được nhấn mạnh trong Nghị định 15, trong đó có những có nhiều điểm nổi bật.
Cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm
Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, nghị định mới đã quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có 2 hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong đó, đối với các loại thực phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định là phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.
Còn các sản phẩm khác, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do UBND tỉnh chỉ định.
Như vậy, có đến khoảng 90% sản phẩm được tự công bố. Quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm.
Giảm thời gian, thủ tục công bố
Đối với hình thức tự công bố: Hồ sơ yêu cầu Bản tự công bố an toàn sản phẩm theo Mẫu số 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, mẫu nhãn sản phẩm.
Đối với hình thức phải đăng ký bản công bố sản phẩm: Về trình tự, thủ tục đăng ký bản công bố được giảm các giấy tờ và thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày trừ nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày.
Nghị định mới quy định trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm: thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trên trang thông tin điện tử (website) của mình và cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để công khai cho người tiêu dùng và các cơ quan có liên quan được biết.
Mở rộng việc miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Mở rộng các đối tượng miễn cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: 10 trường hợp không cần xin cấp GCN cơ sở đủ điều kiện ATTP
Từ ngày 01/7/2019, các cơ sở sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP).
Thay đổi căn bản trong kiểm soát về an toàn thực phẩm đối thực phẩm nhập khẩu
Bổ sung thêm các trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm bao gồm: sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; Sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; Sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; Sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, thủ tướng Chính phủ.
Thay đổi cơ bản về phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu:
Phương thức kiểm tra giảm: trước đây là kiểm tra hồ sơ đối với tất cả các sản phẩm thuộc diện kiểm tra giảm, tại Nghị định mới quy định chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Cơ quan Hải quan chọn ngẫu nhiên và thực hiện việc kiểm tra hồ sơ. Như vậy, có đến 95% lô hàng thuộc diện kiểm tra giảm không phải kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
Phương thức kiểm tra thông thường: là chỉ kiểm tra hồ sơ thay vì trước đây là kiểm tra cảm quan và lấy mẫu kiểm nghiệm nếu có nghi ngờ. Thời gian kiểm tra thông thường cũng được rút ngắn từ 7 ngày xuống chỉ còn 3 ngày. Ngoài ra, cứ sau 3 lần kiểm tra thông thường đạt thì được chuyển sang phương thức kiểm tra giảm.
Phương thức kiểm tra chặt: chỉ áp dụng đối với trường hợp sản phẩm có cảnh báo của Bộ quản lý chuyên ngành , UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước ngoài hoặc của nhà sản xuất hoặc không đạt yêu cầu nhập khẩu tại lần kiểm tra trước đó. Tuy nhiên, thời gian kiểm tra chặt được rút ngắn từ 10 xuống còn 7 ngày.
Đối với vấn đề ghi nhãn thực phẩm
Mở rộng đối tượng miễn ghi nhãn phụ bắt buộc đối với sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ, không tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Thu gọn quản lý về quảng cáo thực phẩm
Nghị định mới chỉ quy định các nhóm sản phẩm: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Luật quảng cáo) phải được đăng ký và thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn do Ủy ban nhân dân tỉnh giao) trước khi quảng cáo. Như vậy, có đến 90% các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo trước khi quảng cáo như quy định trước đây.
Nghị định cũng quy định không phải thực hiện đăng ký lại nội dung quảng cáo nếu không có sự thay đổi về nội dung quảng cáo so với hồ sơ đã đăng ký.
Quản lý điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe phù hợp với các nước ASEAN
Nghị định này bổ sung quy định các điều kiện về sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe và trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, Nghị định cũng quy định lộ trình bắt buộc áp dụng Thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (từ ngày 01/7/2019), quy định này hoàn toàn phù hợp với xu hướng quy định của quốc tế, đặc biệt là các nước trong cộng đồng ASEAN. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia tích cực nhóm công tác về Thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng của ASEAN, dự kiến các nước ASEAN sẽ ký thỏa thuận chung bắt buộc áp dụng GMP từ năm 2020. Do đó, Việt Nam cần thực hiện áp dụng GMP đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Thu gọn việc quản lý quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm
Nghị định quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm. Đặc biệt, quy định cụ thể quản lý việc phối trộn các phụ gia thực phẩm để tạo thành một phụ gia hỗn hợp mới, có công dụng mới, đối tượng mới.
Quy định rõ về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Để tránh chồng chéo, bỏ sót trong phân công quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho Doanh nghiệp, Nghị định đã quy định nguyên tắc phân công quản lý nhà nước như sau:
Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào thì cơ quan đó quản lý.
Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên (trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản) do ngành Công Thương quản lý.
Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Quy định các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thuộc phạm vi được phân công quản lý; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quy định về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm theo đề nghị của các Bộ quản lý chuyên ngành và các Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm xây dựng và gửi Bộ Y tế ban hành.
Quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Quy định thêm thủ tục đăng ký quốc gia, vùng lãnh thổ và doanh nghiệp vào danh sách xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu
Quy định này được bổ sung để phù hợp với thực tiễn đang thực hiện tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động, thực vật nhập khẩu vào Việt Nam.
Quy định này cũng tương đồng và được chấp nhận bởi các quốc gia khác trong xuất nhập khẩu các sản phẩm phẩm thực phẩm có nguồn gốc động, thực vật.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị định 15, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: "Nghị định 15 chính là “món quà” đầy ý nghĩa mà Chính phủ, Bộ Y tế dành cho cộng đồng DN".