Ngày 1/2/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) sẽ được miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Vậy xin ông cho biết các doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện gì thì mới được cấp chứng nhận là doanh nghiệp KHCN?
Để đáp ứng điều kiện, trước tiên doanh nghiệp KHCN phải là một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có kết quả nghiên cứu thuộc một trong những lĩnh vực sau:
Thứ nhất, có thể đó là những sáng chế, giải pháp hữu ích, bố trí mạch tích hợp hoặc những chương trình máy tính được các cơ quan quản lý nhà nước công nhận.
Thứ hai, doanh nghiệp đó đang sở hữu những giống cây trồng, vật nuôi mới được tạo ra trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ.
Thứ ba, doanh nghiệp có liên kết với các đơn vị khác, hoặc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, sau một thời gian làm chủ được công nghệ và tạo ra được những sản phẩm của riêng mình thì cũng được công nhận là doanh nghiệp KHCN.
Nếu như các doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ chứ không sở hữu một sản phẩm riêng thì có được công nhận là doanh nghiệp KHCN không thưa ông?
Nếu như ở Nghị định trước đây thì doanh nghiệp thì phải thuộc 1 trong 5 lĩnh vực (đã quy định) thì mới được công nhận là doanh nghiệp KHCN. Trường hợp doanh nghiệp thuộc một lĩnh vực khác thì phải báo cáo Bộ Khoa học Công nghệ để xem xét. Nhưng quan điểm của Nghị định 13 là các doanh nghiệp có thể hoạt động trên mọi lĩnh vực miễn là doanh nghiệp đó phải có một kết quả nghiên cứu, có một sản phẩm mình làm chủ.
Ngoài ra, các dịch vụ đi kèm sản phẩm cũng được xem xét để công nhận doanh nghiệp KHCN. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chỉ cung ứng dịch vụ mà không sở hữu sản phẩm thì không được công nhận. Doanh nghiệp đó phải có sản phẩm (hoặc ý tưởng) đã đăng ký sở hữu trí tuệ, từ sản phẩm đó cung cấp dịch vụ đi kèm thì mới được tính là doanh nghiệp KHCN và được hưởng ưu đãi.
Hỏi: Xin ông cho biết doanh nghiệp được cấp chứng nhận có cần phải đảm bảo một mức thu nhập doanh nghiệp tối thiểu nào không, bởi trên thực tế một số doanh nghiệp mới thành lập thì có doanh thu không đáng kể?
Nghị định 13 dựa trên Điều 58 của Luật Khoa học Công nghệ xác định doanh nghiệp đáp ứng được 30% tỷ lệ doanh thu từ sản phẩm KHCN trên tổng số doanh thu thì sẽ được công nhận là doanh nghiệp KHCN và được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp KHCN hình thành và phát triển thì đối với những doanh nghiệp được gọi là startup, tức là các doanh nghiệp mới hình thành trong vòng 5 năm thì không tính tỷ lệ doanh thu, miễn là doanh nghiệp có sản phẩm mình làm chủ. Đối với doanh nghiệp thành lập trên 5 năm thì lúc đó mới cần đáp ứng tỷ lệ 30% doanh thu.
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ sẽ như thế nào thưa ông?
Nghị định 13 đã “mở cửa” cho doanh nghiệp so với trước đây. Trước đây doanh nghiệp KHCN xin cấp giấy chứng nhận, họ sẽ nộp hồ sơ với Sở KHCN địa phương. Tuy nhiên, từ Nghị định 13 đã mở rộng cơ quan cấp giấy chứng nhận. Một số trường hợp có thể xin cấp giấy chứng nhận tại Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN (trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ).
Với một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như vấn đề KHCN quá mới, quá phức tạp hoặc sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường, an ninh quốc phòng thì lúc đó Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cấp.
Trường hợp thứ hai là doanh nghiệp hoạt động trên rất nhiều địa bàn, có thể là nhiều tỉnh thành, chính vì vậy nếu chỉ cấp ở một tỉnh thành thì sẽ không thuận lợi lắm cho doanh nghiệp được cấp ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên trường hợp này Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN sẽ đứng ra cấp.
Một trường hợp nữa là doanh nghiệp có đăng ký hoạt động KHCN tại Bộ. Lúc đó, khi xét chứng nhận doanh nghiệp KHCN thì Bộ KHCN sẽ cấp chứng nhận này.
Ngoài ra, khi Sở KHCN có yêu cầu đề xuất thì Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KHCN sẽ cấp giấy chứng nhận trong trường hợp đó.
Đối với doanh nghiệp thì họ rất sợ khi xin cấp chứng nhận một thứ gì đó, bởi vì lúc đó họ sẽ phải giải trình, phải nộp hồ sơ rồi phải chịu thanh tra, kiểm tra định kỳ. Vậy với việc xin cấp chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ thì họ có bị ràng buộc gì không? Họ có phải chịu “vòng kim cô” gì không thưa ông?
Đó là vấn đề mà chúng tôi luôn luôn ý thức trong việc xây dựng văn bản chính sách cho doanh nghiệp. Nghị định 13 cũng giúp cho việc giải quyết những vấn đề mà mà doanh nghiệp có tâm tư.
Trên nguyên tắc thì doanh nghiệp KHCN là doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên họ được cấp thêm giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN để được hưởng ưu đãi của Nhà nước. Những gì quy định trong Luật doanh nghiệp và những gì Nhà nước không cấm thì doanh nghiệp có thể thực hiện. Còn về chế độ báo cáo thì cũng rất đơn giản, một năm chúng tôi yêu cầu có báo cáo có một lần thôi. Nội dung báo cáo là tình hình hoạt động của mình, những khó khăn vướng mắc của mình. Kiểu mẫu báo cáo rất đơn giản chỉ trong vòng 1 tới 2 trang A4 là có thể thực hiện được việc báo cáo như vậy.
Có thể nói rằng với tinh thần cải cách thủ tục hành chính đơn giản hiệu quả, hơn nữa là tăng cường tính hậu kiểm, chính vì vậy gần như là doanh nghiệp chỉ bị rút chứng nhận khi họ vi phạm pháp luật.
Từ khi Nghị định 13/2019/NĐ-CP được ban hành, ông thấy các doanh nghiệp phản hồi như thế nào về Nghị định này?
Theo những đánh giá ban đầu, tôi thấy rằng sự đón nhận của doanh nghiệp là tương đối tốt. Các Sở KHCN cảm thấy thuận lợi hơn trong quá trình cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
Nghị định 13 cũng đã góp phần làm cho cộng đồng doanh nghiệp phấn khởi hơn, số lượng doanh nghiệp KHCN tăng thêm. Vào tháng đầu tháng 10 vừa rồi Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN đã được ra đời. Sự ra đời của Hiệp hội đã cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cũng như của Bộ ngành đã tạo điều kiện, tạo ra một sân chơi cho doanh nghiệp KHCN.
Tôi hy vọng rằng với chính sách của Nghị định 13 thì các doanh nghiệp KHCN sẽ có cơ hội phát triển hơn, lực lượng khoa học công nghệ sẽ đổi mới hơn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội cũng như tạo ra nhiều công ăn việc làm và nhiều doanh nghiệp có bước phát triển nhanh, bền vững.