Đô đốc Nga: Tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông không nhằm vào nước nào

VietTimes -- Như truyền thông quốc tế đã đăng tải, bắt đầu từ ngày 12.9.2016, cuộc tập trận chung của lực lượng Nga và Trung Quốc "Hợp tác biển-2016" đã diễn ra trên Biển Đông.
Đô đốc Nga: Tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông không nhằm vào nước nào
Đô đốc Nga: Tập trận với Trung Quốc trên Biển Đông không nhằm vào nước nào

Khi đưa tin về sự việc này, báo Sputnik của Nga dẫn lời Đô đốc Alexandr Fedotenkov - Phó Tư lệnh Hải quân nói rằng "cuộc diễn tập chung với Trung Quốc không nhằm chống bất cứ ai."

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trong cuộc thao diễn có phần tham gia của hơn 250 binh sĩ thủy quân lục chiến, huy động gần 20 thiết bị kỹ thuật hàng không, 18 tàu chiến và tàu bổ trợ. 

Trong thành phần đội tàu Nga gồm các đại chiến hạm chống tàu ngầm "Đô đốc Vinogradov" và "Đô đốc Tributs", tàu đổ bộ cỡ lớn "Peresvet", tàu kéo cứu hộ "Alatau" và tàu chở dầu "Pechenga". 

Phó Tư lệnh Hải quân, Phó Đô đốc Alexandr Fedotenkov nói thêm rằng: "Đây là hoạt động hiệp lực trong đấu tranh chống hải tặc và đảm bảo lưu thông tàu thuyền".

Đồng thời, ông Alexandr Fedotenkov cũng nhấn mạnh rằng cuộc tập trận được thực hiện với mục đích hòa bình.

Cuộc diễn tập hải quân chung giữa Nga và Trung Quốc được tiến hành trong một thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là những căng thẳng xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ mà chủ yếu bắt nguồn từ tham vọng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Gần đây, ông Putin - Tổng thống Liên bang Nga khi đến Hàng Châu, Trung Quốc cũng đã tuyên bố rằng Nga "ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông"

Trước đó, Moscow cũng lặp lại quan điểm, giải thích nhiều lần về quan điểm của mình đối với điểm nóng nhạy cảm này.

Trong những tuyên bố đó, Nga nói rằng nước này không muốn bị lôi kéo vào tranh chấp Biển Đông.

Nga có quan hệ truyền thống, tốt với Việt Nam, một trong những nước bị Trung Quốc cố kéo vào tranh chấp trên Biển Đông dù Bắc Kinh không hề có chủ quyền hợp pháp ở bất cứ hòn đảo, bãi đá nào cả trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam).

Nga cũng là nước cung cấp vũ khí phòng thủ cho các khách hàng lớn trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.