Hàn Quốc: Tổng thống Yoon đang đối mặt với những cuộc điều tra nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Hàn Quốc, ông Yoon Suk Yeol, cùng một số Bộ trưởng, chỉ huy quân đội và quan chức cảnh sát, đang đối mặt với các cuộc điều tra hình sự liên quan đến nỗ lực thất bại của ông trong việc ban hành thiết quân luật vào tuần trước.

Một người dân xem buổi phát sóng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu trước toàn quốc tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.
Một người dân xem buổi phát sóng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu trước toàn quốc tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Các công tố viên, cảnh sát và Văn phòng Điều tra Tham nhũng của Các quan chức Cấp cao (CIO) đều đã mở các cuộc điều tra nhằm vào ông Yoon và các quan chức khác, với các cáo buộc bao gồm nổi loạn và lạm dụng quyền lực.

Những ai đang bị điều tra?

Ngoài Tổng thống Yoon Suk Yeol, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, cựu Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min, và Tổng tham mưu trưởng quân đội Park An-su – người được chỉ định làm chỉ huy thiết quân luật – đều đang bị điều tra.

Những người khác liên quan đến vụ việc gồm lãnh đạo Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô, Bộ Tư lệnh Chiến tranh Đặc biệt của quân đội và Bộ Tư lệnh Phản gián Quốc phòng, cùng nhiều tướng lĩnh quân đội và quan chức cảnh sát cấp cao khác, bao gồm cả cảnh sát trưởng quốc gia và Seoul, những người bị cáo buộc đóng vai trò trong kế hoạch thiết quân luật.

Đảng Dân chủ đối lập hôm 9/12 cho biết họ cũng đã nộp đơn kiện Thủ tướng Han Duck-soo để đưa ông vào diện điều tra vì không ngăn chặn nỗ lực thiết quân luật của ông Yoon.

Ông Yoon, ông Kim, ông Lee, cảnh sát trưởng quốc gia, cảnh sát trưởng Seoul, và 10 chỉ huy quân sự đã bị cấm xuất cảnh.

Hôm 9/12, các công tố viên đã triệu tập ông Kim để thẩm vấn lần thứ 3 kể từ khi bắt giữ ông này trong hôm trước đó, đồng thời tiến hành lục soát trụ sở và các văn phòng của Bộ Tư lệnh Phản gián Quốc phòng trên toàn quốc, theo hãng tin Yonhap.

Cảnh sát cũng đã lục soát Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô vào ngày 12/12, nhằm thu giữ điện thoại bảo mật của ông Kim và các tài liệu liên quan, Yonhap cho biết.

2.png
Người biểu tình giăng biểu ngữ lên án Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và kêu gọi ông từ chức ở Seoul, Hàn Quốc ngày 5/12. Ảnh: Reuters.

Ai dẫn đầu các cuộc điều tra?

Văn phòng Công tố Tối cao đã thành lập một cơ quan điều tra đặc biệt để xem xét vụ việc, lần đầu tiên kể từ sau cuộc điều tra bê bối tham nhũng năm 2016 liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye, người sau đó bị luận tội và cách chức.

Cơ quan này bao gồm khoảng 50 công tố viên và điều tra viên, cùng khoảng một chục công tố viên quân sự được điều động bổ sung, Yonhap cho biết.

Người đứng đầu bộ phận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia cũng xác nhận việc khởi động điều tra tại một phiên điều trần Quốc hội vào ngày 12/12, và Yonhap cho biết đội này sẽ gồm khoảng 150 sĩ quan và điều tra viên.

Văn phòng CIO cho biết họ đã mở một cuộc điều tra riêng sau khi nhận được đơn tố cáo liên quan đến cảnh sát trưởng quốc gia Cho Ji-ho và các quan chức cảnh sát cấp cao khác.

Trước lo ngại về sự cạnh tranh giữa các cơ quan điều tra và kêu gọi nỗ lực phối hợp để tránh chồng chéo và tăng hiệu quả, một đội điều tra chung đã được thành lập vào ngày 11/12, gồm cảnh sát, CIO và Bộ Quốc phòng.

Quốc hội Hàn Quốc tuần này đã thông qua các dự luật về việc bổ nhiệm các công tố viên đặc biệt để dẫn đầu cuộc điều tra chung với sự hỗ trợ từ các cơ quan khác.

Những cáo buộc được đưa ra là gì?

Các quan chức liên quan tới thiết quân luật có nguy cơ đối mặt với các cáo buộc nổi loạn, lạm dụng quyền lực và cản trở người khác thực hiện quyền của mình.

Nếu bị kết án, tội danh dẫn đầu một cuộc nổi loạn có thể bị tử hình hoặc tù chung thân, có hoặc không kèm lao động khổ sai. Đối với những người tham gia âm mưu nổi loạn hoặc thực hiện các hoạt động khác, hình phạt có thể từ tử hình, tù chung thân đến tù không kèm lao động ít nhất 5 năm. Những người chỉ tham gia âm mưu hoặc bạo lực có thể bị phạt tù, có hoặc không kèm lao động, dưới 5 năm.

Lạm dụng quyền lực có thể bị phạt tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền tối đa 10 triệu won (7.000 USD), trong khi cản trở quyền của người khác có thể bị phạt tù dưới 5 năm hoặc phạt tiền tối đa 7 triệu won.

Hàn Quốc lần cuối tuyên án tử hình vào năm 2016, nhưng chưa hành quyết ai kể từ năm 1997.