Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường game online tăng khá nhanh. Trước thời điểm Nghị định 72/2013/NĐ-CP có hiệu lực, chỉ có 18 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online đã được phê duyệt nội dung. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại đã có 58 doanh nghiệp được cấp giấy phép, 2 doanh nghiệp đang trình hồ sơ để lãnh đạo Bộ TT&TT phê duyệt, 20 doanh nghiệp khác có hồ sơ đề nghị cấp phép nhưng chưa đầy đủ, cần phải bổ sung.
Trong hơn 1 năm qua, Bộ TT&TT cũng đã thẩm định nội dung cho 51 trò chơi G1, còn 49 trò chơi đang trong quá trình xử lý hồ sơ.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp, trong hơn 1 năm qua số lượng doanh nghiệp cũng như số lượng game được cấp phép khá lớn, có thể coi là bước tiến quá dài so với những năm trước. Tuy nhiên, đang tồn tại một vấn đề là tiến trình cấp phép hơi chậm, nguyên nhân chậm không phải do cơ quan nhà nước cố ý làm chậm mà do khối lượng hồ sơ cần xử lý quá lớn, do quy trình thẩm định phức tạp.
Ông Tân cho rằng, các quy định, quy chế hồ sơ cấp phép áp dụng cho game PC được xây dựng từ ngày xưa, trong khi hiện nay game mobile rất phát triển mà vẫn áp dụng quy trình thẩm định game mobile giống như PC sẽ không phù hợp, nên cần xem xét lại toàn bộ quy trình để cho nhẹ bớt đi.
Theo ông Tân, theo quy định thời gian thẩm định, cấp phép một game tối đa là 30 ngày, nhưng thường làm xong phải mất từ 3 đến 6 tháng. Trong số các nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp phép, một nửa do doanh nghiệp làm hồ sơ chưa đúng, một phần là do cơ quan nhà nước nhiều việc làm chậm, một phần do quy trình hồ sơ, thủ tục nặng nề quá.
Ông Bùi Minh Phương, Phụ trách mảng kinh doanh game của VNG cũng cho rằng, khi làm hồ sơ theo đúng tiêu chí cấp phép thì thường có các vấn đề phải chỉnh sửa cho phù hợp, việc chỉnh sửa hồ sơ này thường làm chậm quá trình cấp phép, vì đa số các game doanh nghiệp phải đi mua bản quyền, nên khi cơ quan nhà nước yêu cầu chỉnh sửa phải mất thời gian rất lâu hoặc đối tác không đồng ý chỉnh sửa.
Theo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, khoảng 80% trò chơi đề nghị thẩm định đều có nguồn gốc từ nước ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp không chuẩn bị được đầy đủ văn bản chứng minh bản quyền hợp pháp. Việc doanh nghiệp chậm bổ sung đủ hồ sơ là một trong số nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp phép.
Ông Phương cho rằng, cần mạnh dạn thay đổi chính sách từ cơ chế tiền kiểm thành hậu kiểm để thúc đẩy phát triển thị trường game mobile. Ví dụ, các doanh nghiệp được phát hành game một giai đoạn thử nghiệm trước rồi xin phép sau, hoặc có thể ra quy định doanh nghiệp có văn bản thông báo phát hành game, nếu Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử không trả lời sau bao nhiêu ngày thì doanh nghiệp được phép phát hành, sau đó cơ quan nhà nước sẽ hậu kiểm nội dung và có ý kiến sau.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile cũng cho rằng, quy trình cấp phép không sai nhưng cần phải làm nhanh chóng hơn. Bộ TT&TT có thể đưa ra bộ tiêu chí như là tiền lệ, nếu game nào đã được cấp phép rồi thì những game phát hành sau có kịch bản gần giống như thế sẽ nhanh chóng được cấp phép, không phải đưa ra hội đồng thẩm định nữa, sau đó sẽ hậu kiểm. Chỉ những game nào có nội dung kịch bản mới quá, hoặc có nội dung khác thường thì mới đưa ra hội đồng.
Theo đại diện VDC Net2E, chờ đợi để được cấp phép một game mất 3-4 tháng doanh nghiệp sẽ mất nhiều cơ hội kinh doanh, vì tuổi thọ của game mobile rất ngắn, có khi phát triển chỉ sau 3 – 4 tháng là chấm dứt. Cho nên nếu cứ kéo dài thời gian xin phép thì sẽ có những trường hợp sau 3 - 4 tháng, cơ quan nhà nước thẩm định xong thì doanh nghiệp đó đã tháo chạy khỏi thị trường rồi.
Một ý kiến khác cũng cho hay, khi đưa game mobile lên các store lại bị phụ thuộc vào quy định của Apple và Google, do đó nhà nước cũng cần rà soát lại các quy định trên chợ ứng dụng để điều chỉnh các quy định trong nước cho phù hợp, thuận lợi cho doanh nghiệp làm game.
Đại diện Thanh tra Bộ TT&TT cũng đồng ý với ý kiến đã đến lúc cần sửa đổi một số quy định trong thủ tục cấp phép game, trong đó có thể tính đến việc bỏ khâu thẩm định qua hội đồng đối với game mobile. Tuy nhiên để thực hiện cần sửa đổi một số văn bản đã được ban hành và việc này cũng không thể làm trong một sớm một chiều. Do đó, trước mắt để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì các cơ quan nhà nước cần xem xét thay đổi mẫu thẩm định với dòng game mobile cho đơn giản hơn.