Điểm mặt các loại thuế, phí “đánh” lên 1 chiếc ô tô ở Việt Nam

Có hàng tá các loại thuế, phí khác nhau đang được đánh lên một chiếc ô tô, góp phần đẩy giá xe tại Việt Nam trở nên đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Điểm mặt các loại thuế, phí “đánh” lên 1 chiếc ô tô ở Việt Nam

Khi có ý định mua xe, phần lớn khách hàng chỉ quan tâm tới giá bán của nhà sản xuất mà không biết rằng, mức giá đó được cấu thành bởi một phần không nhỏ của cơ số các loại thuế - phí, ít khi được nói tới.

Trên thực tế, giá bán niêm yết của các nhà sản xuất đã bao gồm trong đó đủ loại thuế, phí. Tuy nhiên, giá bán đưa ra bởi các đại lý bán xe mới chỉ là một phần của câu chuyện. Ngoài giá bán lẻ, khách hàng còn phải trả thêm một loạt các loại phí to phí nhỏ khác nữa, ví như phí đăng kiểm, phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, phí cấp biển số,...

 Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thu phí thử nghiệm khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu; phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, lệ phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng đối với xe ôtô từ 7 chỗ ngồi trở xuống.

Theo đó, sẽ có hai mức phí thử nghiệm tiêu thụ nhiên liệu đối với ô tô từ 7 chỗ ngồi trở xuống. Cụ thể, xe sử dụng nhiên liệu xăng chịu mức phí 16 triệu đồng/phép thử/lần; xe sử dụng nhiên liệu dầu diesel chịu mức phí 16,5 triệu đồng/phép thử/lần.

Như vậy, hai mức phí mới kể trên sẽ góp phần khiến cho danh sách thuế - phí hiện tại mà một chiếc ô tô đang phải gánh, trở nên dài thêm một chút.

Chưa kể, còn hàng loạt các loại phí khác chưa được liệt kê hết như: Phí thu qua trạm thu phí BOT, Phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, Phí bảo hiểm vật chất, Phí xăng dầu, Phí thử nghiệm khí thải, Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu, Phí cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng,...

Trong một báo cáo gần đây, PGS. TS Trần Đình Thiên cho biết người Việt đang “gánh” tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần các nước khác trong khu vực.

Trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ thuế và phí của Việt Nam là 21,6% GDP. Trong khi Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% và Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Vấn đề thuế, phí hiện nay tại Việt Nam đang còn khá nhiều bất cập. Không chỉ riêng chiếc ô tô phải "hứng chịu" hàng tá các loại thuế - phí, hạt gạo, quả trứng, con gà hay trái dưa,... cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự...

Theo Trí Thức Trẻ