Đây là số liệu được đưa ra tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 26/10, tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, riêng nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc là 8.987 tỷ đồng, trong đó có 3.351 tỷ đồng là số nợ bảo hiểm xã hội đã kéo dài trên 6 tháng. Nợ bảo hiểm y tế là 3.653 tỷ đồng và nợ bảo hiểm thất nghiệp là 481 tỷ đồng.
Số nợ trên không chỉ nợ của các đơn vị khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bao gồm nợ của các đơn vị khu vực doanh nghiệp nhà nước, nợ bảo hiểm xã hội tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi cố tình nợ đọng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp đã thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác không nộp vào quỹ.
Được biết, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến các quỹ bảo hiểm mà còn xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu chính sách an sinh xã hội.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký kết phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng quy chế hợp tác để triển khai thực hiện khởi kiện nợ các loại bảo hiểm để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong thời gian tới, theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 vì gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.